Giai đoạn 2018-2022, tổng lượt khách đến Đắk Lắk ước đạt gần 4 triệu người, trong đó khách quốc tế đạt hơn 186.000 lượt người; tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 5,33%; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.668 tỷ đồng.
(TTXVN) Ngày 27/12, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chương trình số 15-CTr/TU, ngày 13/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ hơn 376 tỉ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch với 11 dự án về giao thông, thủy lợi. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay tại 3 buôn đồng bào Ê Đê và M’nông; tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Cùng với đó, Đắk Lắk đã thu hút 6 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký hơn 60 tỷ đồng, trong đó có hai dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 3 dự án đang đầu tư thực hiện.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động du lịch suy giảm, lượng khách và doanh thu giảm mạnh. Trước tình hình đó, từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ lữ hành đã nỗ lực phục hồi trong tình hình mới.
Kết quả, giai đoạn 2018-2022, tổng lượt khách đến Đắk Lắk ước đạt gần 4 triệu người, trong đó khách quốc tế đạt hơn 186.000 lượt người; tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 5,33%; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.668 tỷ đồng. Tỉnh hiện có 234 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 5.000 buồng phòng; 28 khu, điểm tham quan du lịch.
Nhìn chung, sau 5 năm, sản phẩm du lịch đã có sự đầu tư, đổi mới. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, kết nối phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước được tổ chức thường xuyên, chặt chẽ hơn. Tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm cỡ quốc gia. Chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch ngày càng cao; môi trường du lịch ngày càng được quan tâm, cải thiện…
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, quá trình phát triển du lịch tại địa phương còn gặp nhiều hạn chế như khó khăn trong việc khôi phục và mời gọi du khách trở lại du lịch Đắk Lắk; việc khai thác và thu hút du khách nước ngoài còn hạn chế do tỉnh chưa có cửa khẩu và sân bay quốc tế; thủ tục đầu tư và chính sách đất đai, thuế đối với việc kêu gọi đầu tư chưa hấp dẫn.
Ngoài ra, việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch gặp nhiều khó khăn, trong khi doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn chế. Sản phẩm du lịch chất lượng chưa cao, chưa thật sự hấp dẫn du khách. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu, chưa chuyên nghiệp…
Tại hội nghị, đại biểu đã thảo luận các nội dung như định hướng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch đến năm 2025; hiện trạng và giải pháp phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại tỉnh Đắk Lắk; giải pháp phát triển du lịch thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2025; công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh đề nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu để bổ sung, hoàn thiện báo cáo sơ kết; tham mưu UBND tỉnh định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch hiệu quả, sớm đưa du lịch Đắk Lắk phát triển. Tỉnh tăng cường hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác du lịch; tập trung định vị hình ảnh của du lịch Đắk Lắk, triển khai quảng bá thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột - “Thành phố cà phê của thế giới”.
Tỉnh xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, chính sách, thu hút đầu tư phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động hội nhập và tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về phát triển du lịch. Các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, góp phần đưa du lịch Đắk Lắk phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen10 tập thể, 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2017-2022./.