Sau đại dịch COVID-19, ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu phục hồi nhanh, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch cả nước.
(TTXVN) Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nổi tiếng là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước, mà còn là một trong bảy vùng trọng điểm về du lịch. Cảnh quan sinh thái đặc trưng đồng bằng, biển đảo; sông nước hữu tình; cây trái bốn mùa trĩu quả; môi trường sống trong lành; con người hiền hòa, thân thiện; lễ hội dân gian truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo quanh năm… tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo. Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế, song việc đầu tư, khai thác tài nguyên du lịch của vùng chưa tương xứng, chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Phát triển du lịch ở một số địa phương còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", chưa được kết nối một cách tổng thể dưới góc độ của vùng. Từ đó, tốc độ phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long còn rất khiêm tốn so với các vùng du lịch khác trong cả nước.
Bài 1: Phục hồi nhanh sau đại dịch
Đại dịch COVID-19 khiến ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long giảm tốc. Lượng khách cũng như doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành giảm sâu, tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành phố. Sau đại dịch, ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu phục hồi nhanh, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch cả nước.
* Tăng tốc sau đại dịch
Thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng dịch COVID-19, tổng lượng khách du lịch đến Thành phố năm 2020 chỉ đạt gần 17,2 triệu lượt, giảm 66,6%. Trong đó, lượng khách đến Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 cũng chỉ đạt gần 27,8 triệu lượt, giảm 41,28% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm 48,26% so với cùng kỳ.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, chưa có giai đoạn nào lượng khách đến Thành phố và Đồng bằng sông Cửu Long lại sụt giảm mạnh như năm 2020. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành là những thành tố quan trọng trong phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải chịu tác động kép là giảm khách và bồi thường chi phí cho các tour bị hủy; khách sạn, nhà nghỉ cũng thiệt hại nặng do không thể hoạt động khi dịch bệnh bùng phát.
Theo bà Hiếu, tuy khó khăn nhưng các doanh nghiệp lữ hành luôn trong tâm thế sẵn sàng trở lại mạnh mẽ trong điều kiện bình thường. Sau đại dịch, bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã phục hồi, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương.
Đến cuối năm 2022, Đồng bằng sông Cửu Long đón trên 44 triệu lượt khách du lịch, tăng 201,2% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó khách lưu trú đạt gần 12 triệu lượt, tăng 138,9% với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 đạt gần 34.000 tỷ đồng, tăng 216,9% so với cùng kỳ năm 2021. Du lịch góp phần tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn người dân địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng trong đại dịch, du lịch là ngành bị thiệt thòi lớn nhất, ảnh hưởng nhiều nhất. Gần đây bên cạnh ngành công nghiệp và nông nghiệp, du lịch là ngành phục hồi nhanh nhất. Tuy lượng khách đến Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 tăng so với 2 năm xảy ra dịch bệnh, nhưng vẫn chưa đạt so với trước đại dịch.
"So với năm 2020 và 2021, lượng khách đến Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2022 tăng trên 200%, đây là kỳ tích và dấu hiệu phục hồi nhanh của ngành Du lịch khu vực. Riêng tại An Giang, năm 2018 ngành Du lịch tỉnh đón 10 triệu người. Khi xảy ra đại dịch COVID-19 lượng khách đến An Giang rất thấp, gần như là số không. Qua năm 2022, lượng khách đến An Giang đạt 7,3 triệu khách, chủ yếu là khách nội địa. Đây là dấu hiệu đáng mừng khi ngành Du lịch tỉnh tăng tốc trở lại sau 2 năm ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh", ông Thư cho biết.
* Đa dạng sản phẩm du lịch
Phục hồi sau đại dịch, ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch các địa phương trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác du lịch "trong trạng thái bình thường" với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước. Đặc biệt là hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long hình thành 3 trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện sản phẩm, gồm: Tuyến du lịch "Những nẻo đường phù sa" kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau. Tuyến du lịch "Non nước hữu tình" kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh và tuyến du lịch "Sắc màu vùng biên" kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang. Từ 3 trục tuyến du lịch liên kết đã công bố, các doanh nghiệp du lịch - lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hơn 70 tour từ Thành phố đến các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn bộ các chương trình này đều được chào bán và giới thiệu trên website kích cầu du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh.
Cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành Thành phố Hồ Chí Minh cũng xây dựng và điều hành website http://tourmientay.net để giới thiệu, quảng bá, giao thương các chương trình du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến du khách với lượt truy cập hơn 1.200 lượt/ngày.
Trong năm 2022, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức 9 chương trình khảo sát du lịch (Famtrip), kết nối các doanh nghiệp du lịch - lữ hành của Thành phố, các tỉnh Đông Nam Bộ với 13 đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút khoảng 500 lượt doanh nghiệp du lịch - lữ hành tham gia kết nối. Các doanh nghiệp du lịch - lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa hàng triệu khách du lịch, chủ yếu nội địa đến Đồng bằng sông Cửu Long để trải nghiệm văn hóa, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ.
Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho biết, các tỉnh, thành phố phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến; công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng tập trung xây dựng sản phẩm du lịch, trên cơ sở khai thác các giá trị đặc trưng của mỗi địa phương; tăng cường phối hợp các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
Thành phố Cần Thơ hiện đã đầu tư, nâng cấp các điểm đến, sản phẩm du lịch đã khai thác, thu hút khách đến các điểm mới như: Đền thờ Vua Hùng, Điểm du lịch Phi Yến - Mekong Silk, CanTho Eco Resort, Du lịch cộng đồng Cồn sơn... Kiên Giang thu hút nhiều dự án phát triển du lịch tại Phú Quốc; Hậu Giang tiếp tục xây dựng 2 sản phẩm du lịch làm điểm nhấn như du lịch trên tàu tuyến kênh xáng Xà No; du lịch khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng gắn với các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Phụng Hiệp…
Ngành Du lịch Sóc Trăng phát triển kinh tế ban đêm thị xã Ngã Năm, xây dựng dịch vụ du lịch trên sông và kết hợp dịch vụ du lịch về đêm (phố đi bộ, phố ẩm thực); hoàn thiện 3 cụm du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch. Bạc Liêu phát triển Khu Quán âm Phật đài, Khu Du lịch Nhà Mát, Khu Công tử Bạc Liêu, Khu Lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu.../.