Tổng doanh thu dịch vụ du lịch trong dịp Tết đạt 125 tỷ đồng (tăng gần 5 lần so với Tết Nguyên đán năm 2022); trong đó doanh thu nhà hàng – khách sạn, cơ sở kinh doanh ăn uống đạt 75 tỷ đồng.
TTXVN - Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động du lịch của tỉnh Bạc Liêu thời gian gần đây đã phục hồi mạnh, góp phần tích cực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Thống kê của Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, chỉ tính riêng từ ngày 29 đến mùng 5 Tết Quý Mão, lượng khách đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh đạt khoảng 195.500 lượt người (tăng trên 4,3 lần so với Tết Nguyên đán năm 2022). Tổng doanh thu dịch vụ du lịch trong dịp Tết là 125 tỷ đồng (tăng trên 4,9 lần so với Tết Nguyên đán năm 2022); trong đó doanh thu nhà hàng – khách sạn, cơ sở kinh doanh ăn uống đạt 75 tỷ đồng.
Đặt biệt, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, nhu cầu du Xuân, đi lễ của người dân tiếp tục tăng cao. Các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh như: Quán âm Phật đài, Chùa Đông Hải, Chùa Giác Hoa, Nhà thờ Tắc Sậy… thu hút rất nhiều du khách đến dâng hương, cầu phúc. Đây là cơ sở để ngành du lịch Bạc Liêu tự tin đón 4.000.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 3.550 tỷ đồng trong năm 2023.
Có thời gian dài gắn bó với du lịch Bạc Liêu, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long đánh giá, trong những năm qua, ngành du lịch Bạc Liêu có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, từ chỗ gần như không có tên tuổi trên bản đồ du lịch đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Tỉnh đã đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương, nhất là loại hình du lịch tâm linh cùng với du lịch sinh thái cộng đồng. Tuy vậy, dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Lê Thanh Phong cho rằng để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh Bạc Liêu cần sớm hoàn thiện công tác quy hoạch du lịch, trong đó ưu tiên quy hoạch chi tiết khu, điểm du lịch; đầu tư hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng giao thông được xem là đòn bẩy phát triển du lịch; cùng với đó là đưa vào khai thác các dịch vụ du lịch chất lượng cao đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Bạc Liêu hiện có 10 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long); là một trong 5 tỉnh, thành phố có tổng doanh thu dịch vụ du lịch và lượng khách du lịch nhiều nhất vùng. Tỉnh xác định du lịch là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả trụ cột này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; xem du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm khẳng định thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường du lịch, như: Sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị bất hủ của Bản Dạ cổ hoài lang và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; sản phẩm du lịch xanh tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển; sản phẩm du lịch sinh thái - cộng đồng ven biển với hệ sinh thái biển, rừng ven biển, vườn nhãn, các trang trại sinh thái nông nghiệp như làm muối, trồng màu, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản...; sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp công nghệ cao.
Để thu hút khách du lịch, tỉnh Bạc Liêu chú trọng liên kết có trọng tâm, trọng điểm, nhất là kết nối có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, địa phương có nhiều tìm năng phát triển du lịch, nhất là các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tín ngưỡng, kết hợp tổ chức các sự kiện, du lịch cộng đồng sinh thái ….
Tỉnh hiện có 55 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh và một số lễ hội lớn có giá trị văn hóa, tâm linh. Bên cạnh đó, nhiều đình, chùa được trùng tu, tôn tạo, hàng năm thu hút rất đông du khách đến tham quan, chiêm bái, đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh của các tầng lớp nhân dân.
Các nhà bia ghi danh liệt sĩ và sự kiện; các ngôi nhà cổ; công trình phủ thờ dòng họ; kiến trúc mộ cổ; công trình xây dựng; cơ sở thờ tự, đình, chùa, miếu, nhà thờ, thánh thất, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử và quần thể kiến trúc đô thị trung tâm thành phố Bạc Liêu, đều được quan tâm sửa chữa, tôn tạo và phát huy giá trị trong việc thu hút khách du lịch.
Bạc Liêu đã hình thành một số khu, điểm du lịch sinh thái có quy mô lớn, thu hút nhiều du khách đến tham quan, vui chơi giải trí, như khu biển nhân tạo thuộc khu du lịch Nhà Mát hiện đại nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; công trình Điện gió kết hợp du lịch sinh thái thuộc dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình I; xúc tiến chuẩn bị đầu tư khu du lịch sinh thái Nam Hải; dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí kết hợp với biện pháp bảo tồn Vườn chim Bạc Liêu; Vườn chim Lập Điền...
Với tiềm năng đa dạng, tỉnh Bạc Liêu đang trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp du lịch đến đầu tư. Nhiều công trình dự án về du lịch đang được triển khai, hứa hẹn tạo ra cú hích để du lịch Bạc Liêu bứt phá trong thời gian tới, trước mắt là đạt chỉ tiêu đón 4 triệu lượt du khách trong năm 2023./.