Giáo dục

Bắc Ninh phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo

Bắc Ninh

Bắc Ninh liên tục duy trì và giữ vững vị thế tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo. Đồng thời là tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở mức độ cao nhất.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ-TW được khen thưởng. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

TTXVN - Ngày 3/7, Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 14/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Các đại biểu tham dự hội nghị đã đi sâu phân tích, đánh giá kết quả đạt được; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nhằm phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo; nhấn mạnh một số hạn chế liên quan đến tình trạng thiếu giáo viên; thiếu diện tích trong xây dựng trường chuẩn quốc gia; sĩ số học sinh/lớp ở một số địa phương còn cao; vấn đề phát triển các loại hình trường phổ thông ngoài công lập, trường đạt chuẩn quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung biểu dương, đánh giá cao kết quả ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đạt được 10 năm qua; khẳng định Bắc Ninh luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho sự phát triển. Cho rằng Bắc Ninh là tỉnh phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của cả nước; có truyền thống văn hiến, khoa bảng lâu đời, luôn quan tâm, ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, ông Nguyễn Quốc Chung gợi mở, ngành Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, có giải pháp chủ động ứng phó với những tác động khách quan, mặt trái, những yếu tố phi truyền thống.

Ngành Giáo dục và Đào tạo cần tập trung quy hoạch, rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục đảm bảo hợp lý, cân đối, hài hòa giữa trường công lập và trường ngoài công lập, đáp ứng yêu cầu thực tế; tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục đảm bảo dân chủ, thống nhất, nghiêm minh, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và giáo dục toàn diện để các em phát triển đầy đủ về đức-trí-thể-mỹ.

Ngành cũng cần quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi để các nhà giáo không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp; thực hiện các cơ chế, chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. Đặc biệt, ngành cần tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo. Tỉnh liên tục duy trì và giữ vững vị thế tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở mức độ cao nhất.

Toàn tỉnh hiện có 506 trường với hơn 372.000 học sinh ở tất cả các cấp học, trong đó có 466 trường công lập, chiếm 92,1%. Toàn bộ 126/126 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có Trung tâm học tập cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có hơn 17.800 biên chế cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trường học với tỷ lệ cán bộ giáo viên đạt chuẩn trình độ là 96,7%; trên chuẩn là 40,6%. 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 100%.

Công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, những năm gần đây, Bắc Ninh đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về điểm bình quân thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, đứng thứ Nhất toàn quốc về tỷ lệ thí sinh dự thi đoạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Riêng năm 2023, Bắc Ninh có 7 học sinh tham dự các cuộc thi khu vực và quốc tế, trong đó có 5 học sinh đoạt giải, lớn nhất từ trước đến nay.../.

Thanh Thương

Tin liên quan

Xem thêm