Bàn giải pháp để phát huy hiệu quả nhân lực đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vừa nâng cao tay nghề, thu nhập đồng, là cơ hội để trau dồi kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc để tiếp tục phát huy hiệu quả việc giải quyết việc làm, giảm nghèo của địa phương khi trở về.
Ngày 9/8, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Báo Lao động tổ chức Hội thảo “Phát huy nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.
Các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về thực trạng nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài thời gian vừa qua, việc thực hiện phương châm “đi làm thuê - về làm chủ”; qua đó đưa ra giải pháp để phát huy nguồn nhân lực hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, thời gian qua, Đồng Tháp xác định đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vừa nâng cao tay nghề, thu nhập đồng thời cũng là cơ hội để trau dồi kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc để tiếp tục phát huy hiệu quả việc giải quyết việc làm, giảm nghèo của địa phương khi trở về. Sau 10 năm thực hiện Chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Đồng Tháp đã đưa 15.472 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung nhiều nhất là thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Qua khảo sát 1.107 lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về, có 43 lao động khởi nghiệp mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán...
Giám đốc Sở Lao Động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Việt Công thông tin, số lao động đi làm việc ở nước ngoài phần nhiều là có thời gian hợp đồng làm việc 3 năm. Thu nhập tương đối ổn định cao, tổng số tiền tích lũy sau 3 năm trừ chi phí từ khoảng 600-800 triệu đồng/người tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Với mức thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 27- 35 triệu đồng, trừ các khoản chi phí cần thiết, mỗi tháng người lao động có thể gửi về gia đình 20-25 triệu đồng. Riêng đối với lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, tổng thu nhập sau 3 tháng làm việc là hơn 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Hiệu quả về mặt xã hội là giúp ổn định việc làm, nâng cao thu nhập góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, góp phần quan trọng vào giảm nghèo. 100% hộ gia đình nghèo, cận nghèo có người đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm sâu, còn 1,51% vào cuối năm 2023 và ước còn 1,11% vào cuối năm 2024.
Ông Phạm Việt Công nhấn mạnh, để tạo điều kiện tốt cho người lao động làm việc nước ngoài, đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tỉnh ban hành chính sách cho vay tín chấp trong thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với khoảng 100 triệu đồng, tạo điều kiện để người lao động thoát nghèo, vươn lên lập nghiệp. Sở đề xuất và tham mưu lãnh đạo tỉnh tiếp tục hỗ trợ việc tìm hiểu, mở rộng thị trường ở các nước châu Âu, Australia...
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà chia sẻ, bình quân mỗi năm tỉnh đưa hơn 1.100 lao động ra nước ngoài làm việc. Để tạo điều kiện cho học viên học nghề, toàn tỉnh có 28 cơ sở là trường đại học, trung cấp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy nghề. Đã có 74 doanh nghiệp liên kết với tỉnh để tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời tỉnh có chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài và người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Cố vấn Hiệp hội Xuất khẩu lao động nêu giải pháp phát huy nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đối với Nhà nước cần có sự phối hợp đồng bộ để xây dựng quy định cụ thể hóa và triển khai chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đối với mỗi địa phương cần có chính sách riêng, cụ thể, phù hợp với nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, kết quả của hội thảo là cơ sở để nghiên cứu, đề xuất và xây dựng cơ chế, chính sách khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và phát huy nguồn nhân lực này khi họ trở về địa phương. Mặt khác cần phát huy hiệu quả việc phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.