Càn Thơ cần chú trọng công tác kết nối chuỗi giá trị sản phẩm du lịch từ khai thác tài nguyên thiên nhiên đến các làng nghề truyền thống; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đặc sắc; xây dựng sản phẩm OCOP trở thành món quà lưu niệm chất lượng…
Ngày 14/2, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch thành phố tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đại diện các đơn vị quản lý, chủ thể kinh doanh lữ hành, điểm đến… nêu vướng mắc, điểm nghẽn hiện có. Trên cơ sở đó, các bên đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp du lịch Cần Thơ phát triển xứng tầm tiềm năng.
Các ý kiến cho rằng, Cần Thơ có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó là thuận lợi về mức độ ưu tiên cơ chế chính sách, tập trung đông cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Tuy vậy, hiện du lịch Cần Thơ vẫn chưa thể cất cánh phát triển xứng tầm.
Nguyên nhân là do chưa đồng bộ giữa điểm khai thác tài nguyên nhiên nhiên phục vụ du lịch với cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất xung quanh điểm du lịch còn thiếu.
Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt Bùi Cửu Long nêu rõ, ở quận có điểm du lịch nổi bật là cù lao Tân Lộc. Nơi đây được định hướng phát triển theo hướng du lịch sinh thái với các mô hình vườn cây trái, chèo xuồng, homestay trên các lồng bè cá hoặc nhà cổ và hộ dân làm vườn… Mô hình này thu hút rất đông du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết khách đều phản hồi việc di chuyển đến nơi quá khó khăn, đường sá, tàu bè không thuận lợi. Ông đề nghị, lãnh đạo thành phố, các sở, ngành liên quan như Sở Xây dựng cần tham mưu, triển khai đề án xây dựng hệ thống bến du thuyền dọc sông Hậu có điểm dừng trên địa bàn quận Thốt Nốt. Có như vậy du lịch đường sông của quận mới kết nối tốt vào mạng lưới du lịch thành phố cũng như toàn vùng.
Tương tự, Khu du lịch vườn cò Bằng Lăng cũng là điểm du lịch hút khách. Tuy vậy, gần như trên 90% khách sẽ không quay lại do quy mô vườn cò quá nhỏ (hiện chỉ rộng hơn 1 ha); các điểm vui chơi, dịch vụ vệ tinh xung quanh hầu như không có.
Các đại biểu chỉ ra sự bất cập khi hệ thống quảng bá, kết nối, hỗ trợ khách du lịch của thành phố Cần Thơ hoạt động chưa được như kỳ vọng. Thông tin du lịch trên nền tảng số chưa được đẩy mạnh và khai thác tốt.
Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Công ty du lịch Bến Thành cho rằng, điều này khiến cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch của thành phố bị động, không kiểm soát kịp thời thông tin bất lợi. Ông nêu ví dụ về sự ồ ạt thông tin tiêu cực về chợ nổi Cái Răng trên mạng xã hội gây bất lợi lớn cho quảng bá và khai khác nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.
Nhằm tháo gỡ nút thắt kể trên cũng như huy động nguồn lực thúc đẩy du lịch thành phố phát triển xứng tầm, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch thành phố đề nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các đơn vị liên quan tham mưu, xúc tiến kêu gọi các nguồn, nhà đầu tư. Cần Thơ phải có bến tàu thủy đẳng cấp quốc tế, sân bay phải hoạt động tương xứng công năng sân bay quốc tế, đường sá kết nối tốt vào các điểm du lịch... có như vậy mới kiến tạo một hệ sinh thái du lịch khỏe mạnh.
Đồng thời, để làm chủ và khai thác tốt lợi thế công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần làm đầu mối, kết nối chặt chẽ với các viện, trường đào tạo được đội ngũ nguồn nhân lực du lịch chất lượng. Bộ phận văn phòng, quản lý phải làm chủ được công nghệ, nhanh nhạy trong khai thác và xử lý thông tin du lịch trên không gian mạng; cập nhật thông tin liên tục và tương tác kịp thời với người dùng cần hỗ trợ thông tin.
Đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên phải giỏi ngoại ngữ, nắm vững nghiệp vụ du lịch và kỹ năng giao tiếp; đồng thời am hiểu sâu kiến thức văn hóa của điểm đến cũng như toàn vùng. Như vậy, họ mới có thể đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch trong nước và nước ngoài.
Ông Nguyễn Thực Hiện đề nghị, ngành Du lịch đổi mới giải pháp liên kết hợp tác phát triển du lịch có chiều sâu, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và du khách. Song song đó, chú trọng công tác kết nối chuỗi giá trị sản phẩm du lịch từ khai thác tài nguyên thiên nhiên đến các làng nghề truyền thống; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đặc sắc; xây dựng sản phẩm OCOP trở thành món quà lưu niệm chất lượng…
Năm 2024, Cần Thơ đón hơn 6,3 triệu lượt khách tham quan, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp lưu trú phục vụ hơn 3,1 triệu lượt, tăng 5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 6.226 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ./.
- Từ khóa:
- Cần Thơ
- giải pháp
- phát triển du lịch
- xứng tầm
- tiềm năng