Xã hội

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế di dời hiện vật đến địa điểm mới

TP. Huế

Công tác đóng gói hiện vật là một trong những công việc quan trọng, được Bảo tàng đặt lên hàng đầu nhằm tạo độ chắc chắn, an toàn cho hiện vật trong suốt quá trình di chuyển.

Di dời hiện vật đến địa điểm mới. 
Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Ngày 01/11, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đang phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai đóng gói, vận chuyển và di dời hàng ngàn hiện vật đến địa điểm mới tại 268 Điện Biên Phủ, phường Trường An, thành phố Huế sau hơn 40 năm “ở tạm” tại di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn. Việc di chuyển hiện vật dự kiến sẽ triển khai đến ngày 15/11/2024.

Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang lưu giữ và bảo quản 32.107 hiện vật, trong đó có 2 bảo vật quốc gia, gồm: Bộ chóp tháp Champa Linh Thái, được công nhận năm 2020; Bệ thờ Vân Trạch Hòa, được công nhận năm 2015.

Các hiện vật được đóng gói bảo quản phù hợp theo chất liệu và kích thước đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển. 
Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Công tác đóng gói hiện vật là một trong những công việc quan trọng, được Bảo tàng đặt lên hàng đầu nhằm tạo độ chắc chắn, an toàn cho hiện vật trong suốt quá trình di chuyển. Để đảm bảo tính khoa học, tuân thủ nguyên tắc của bảo tàng học, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mời chuyên gia từ Hà Nội vào tập huấn cho toàn thể đội ngũ viên chức, người lao động về sử dụng vật liệu, thiết bị bổ trợ và quy trình đóng gói phù hợp với từng từng chất liệu, kích thước của hiện vật. Đối với hiện vật nặng, thể khối lớn, đơn vị cũng xây dựng phương án đóng gói riêng và phối hợp với đơn vị vận chuyển có uy tín nhằm đảm bảo an toàn cho hiện vật trong quá trình di chuyển đến địa điểm mới.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đức Lộc cho biết, đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng các phương án thực hiện di chuyển mang tính khả thi, an toàn nhất cho hiện vật và tài sản. Đặc biệt, Bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản hơn 100 hiện vật thể khối lớn, trọng lượng nặng. Vì vậy, đơn vị đã huy động các xe tải trọng lớn, xe có kích cẩu, xe kéo… để thực hiện di chuyển hiện vật đến địa điểm mới.

Riêng với các bảo vật quốc gia, hiện vật cồng kềnh như: mỏ neo, thuyền độc mộc..., Bảo tàng đã chuẩn bị các khung, hộp gỗ (sắt) để đặt hiện vật vào bên trong và dùng các vật tư: đệm mút, bông, xốp chống sốc để bảo vệ an toàn tuyệt đối; lựa chọn thời gian hợp lý để thuận lợi trong quá trình di chuyển và không gây ảnh hưởng cho người tham gia giao thông.

Việc đóng gói bảo quản hiện vật được triển khai đảm bảo khoa học và tuân thủ nguyên tắc của bảo tàng học. 
Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Ngoài ra, Bảo tàng Lịch sử cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Đội Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Huế, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh, phòng PA03 và phòng PK02 của Công an tỉnh, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ, dẫn đường cho xe phục vụ di chuyển hiện vật đến địa điểm mới được thuận lợi, an toàn.

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế được thành lập năm 1976, đặt trụ sở tại di tích Quốc Tử Giám. Từ cuối năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất chủ trương di dời Bảo tàng Lịch sử tỉnh đến cơ sở mới tại số 268 Điện Biên Phủ, phường Trường An, thành phố Huế và không gian trụ sở cũ là di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn sẽ được tôn tạo, tu bổ nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa. Đến năm 2020, đã có 14 hiện vật thể khối lớn như xe tăng, pháo, xác máy bay… được di dời đến khuôn viên 268 Điện Biên Phủ và trưng bày ngoài trời phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân và du khách./.

Tường Vi

Tin liên quan

Xem thêm