Văn hóa

Bảo tồn giá trị dấu ấn lịch sử đầu tiên của ngành Tài chính, nơi hai lần được Bác về thăm

Hòa Bình

Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại xã Phú Nghĩa là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên của ngành Tài chính và đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) là nơi sản xuất ra những đồng tiền đầu tiên, những tờ “Giấy bạc tài chính - Giấy bạc cụ Hồ” đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao trong những ngày đầu độc lập của chính quyền cách mạng Việt Nam đã ra đời. Đây cũng là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên của ngành Tài chính và đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2007.

Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam nằm ở đồn điền Chi Nê (giai đoạn 1946 - 1947) nay là xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. 
Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

* Nơi hai lần được Bác Hồ về thăm

Theo tư liệu tại Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền, từ cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp liên tiếp cấp giấy phép cho các nhà tư sản Pháp vào vùng đất Lạc Thủy chiếm đất lập đồn điền, xúc tiến việc thu thuế và khai thác lâm thổ sản. Khu vực xã Cố Nghĩa (nay thuộc xã Phú Nghĩa, Lạc Thủy) nằm trong khu đồn điền cà phê Chi Nê của nhà tỷ phú người Pháp Enet Bo-ren với diện tích 7.331ha, dài 13km, rộng 9km với những cánh rừng cà phê, xoan, trẩu, chè bạt ngàn cùng nhiều khu nhà kiên cố, khu chế biến cà phê, khu chuồng trại trâu, bò... Năm 1943, do phải trở về Pháp, ông Bo-ren bán lại cho gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện, nhà tư sản Việt Nam yêu nước với giá 2.000 lượng vàng.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta đứng trước những thử thách vô cùng khắc nghiệt. Một trong những vấn đề nổi lên là tài chính, mà quan trọng là việc phát hành đồng tiền của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong khi Chính phủ lâm thời đang gặp khó khăn về cơ sở in và phát hành giấy bạc Việt Nam để có thể chủ động về mặt tài chính và đấu tranh kinh tế với địch, ông Đỗ Đình Thiện đã tự nguyện bỏ tiền ra mua lại toàn bộ nhà in Tô-panh (Taupin) của Pháp tại Hà Nội và hiến tặng cho Chính phủ để lập nhà máy in tiền riêng, đáp ứng một phần nhu cầu chi tiêu trong hoàn cảnh ngân khố hầu như trống rỗng.

Đến tháng 3/1946, trước nguy cơ việc in tiền tại nhà in Tô-panh không giữ được bí mật, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định tìm địa điểm mới để di chuyển toàn bộ nhà in ra khỏi Hà Nội. Một lần nữa, chính ông Đỗ Đình Thiện đã chủ động đề xuất Bộ Tài chính chuyển nhà máy in lên đồn điền của gia đình ông ở Chi Nê (Hòa Bình).

Chính tại nơi đây, tờ bạc 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc “con trâu xanh” ra đời. Tờ bạc tài chính cụ Hồ ra đời mang theo sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng, góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi đất nước. Đồng thời, tờ bạc giấy đầu tiên khẳng định chủ quyền về kinh tế - tài chính, độc lập dân tộc trong đó có độc lập về tài chính. Nước Việt Nam độc lập phải có đồng bạc Việt Nam độc lập.

Theo lời kể của bà Đinh Thị Bình, Phó trưởng Ban Quản lý di tích, trong thời gian nhà máy in tiền hoạt động tại đồn điền Chi Nê, để tránh bị phát hiện, công nhân nhà máy chỉ in bạc lúc 3 - 4 giờ sáng. Từ tháng 12/1946 - 2/1947, Cơ quan Ấn loát Trung ương đặt tại đồn điền Chi Nê đã cung cấp cho các ngành, địa phương từ Nam Trung Bộ trở ra khoảng 400 triệu đồng bạc Việt Nam. Số tiền này đã hỗ trợ nguồn lực lớn để trang bị vũ khí, lương thực, thuốc men phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Với vị trí chiến lược, đồn điền Chi Nê đã hai lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, làm việc và nghỉ lại. Ngày 18/2/1947, sau khi kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác Hồ cùng các đồng chí Cù Huy Cận - Bộ trưởng Bộ Canh nông, Hoàng Hữu Kháng - bảo vệ và lái xe Phạm Văn Ngọc từ Quốc Oai lên đường đi Thanh Hóa công tác. Trên hành trình, Bác dừng chân nghỉ lại ở khu đồn điền Chi Nê. Lúc 6 giờ ngày 19/2, Bác vào thăm nhà ông bà Đỗ Đình Thiện - chủ nhân của đồn điền Chi Nê và là nhà tư sản yêu nước. Sau đó, Bác đi thăm nhà ở công nhân Nhà máy in tiền và một số đồng bào người Mường gần đó.

Sau khi hoàn tất công việc ở Thanh Hóa, sáng 21/2/1947, Bác lại về Chi Nê, lần này Bác căn dặn cán bộ và nhân dân huyện Lạc Thủy: "Đây là nhà in của ta, các chú giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng vào công cuộc kháng chiến cứu quốc. Cán bộ và công nhân trong nhà máy phải đoàn kết thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, phải hết sức chú ý bảo quản và tiết kiệm tiền bạc của nhân dân".

Đến nay, tại kho bạc đồn điền Chi Nê, ngôi nhà của gia đình ông Đỗ Đình Thiện, nơi Bác Hồ đã nghỉ lại ngày 21/2/1947 và căn hầm Bác ở được bảo vệ, giữ gìn nguyên vẹn.

* Địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ

Năm 2007, Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (1946 - 1947) được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia và trở thành điểm tham quan với du khách trong ngoài nước.

Ngay sau khi được công nhận, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 24/3/2009 với diện tích 15,64ha, bao gồm các hạng mục như: Xưởng in tiền; Nhà Bác Hồ về thăm và làm việc; Kho chứa bạc; Nhà hội trường; Nhà đón tiếp; phù điêu tại khu xưởng in; sân vườn trồng cây; hệ thống giao thông toàn khu vực; khu công viên vườn hoa; khu đón tiếp và các công trình văn hóa, vui chơi giải trí...

Khách tham quan khu lưu trữ những tư liệu ngành Tài chính Việt Nam. 
Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Năm 2016, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận chủ trương, ngày 8/12/2016, UBND huyện Lạc thủy ban hành Quyết định số 1662/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Hoàng Thị Thu Hằng cho biết, những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thủy luôn chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay; đồng thời là nơi để nhân dân và du khách thập phương đến thắp hương tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các anh hùng, liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Những năm qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã quy hoạch, xây dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền với mong muốn phục dựng, lưu giữ lại hình ảnh Nhà máy in tiền và xây dựng công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê, để ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình ông Đỗ Đình Thiện và những người có công với cách mạng trong thời kỳ đầu đặt nền móng xây dựng ngành Tài chính quốc gia Việt Nam./.

Lưu Trọng Đạt

Xem thêm