Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm, thúc đẩy nhanh các vụ kiện xử lý xâm phạm liên quan đến bản quyền tác giả.
Ngày 13/5, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, trong quý I/2025, Trung tâm đã thu hơn 90 tỷ đồng tiền tác quyền. Trung tâm đã phân phối khoảng 85 tỷ đồng tiền bản quyền âm nhạc cho các tác giả là hội viên, trong đó nhạc sĩ được nhận tiền tác quyền âm nhạc nhiều nhất là hơn 1 tỷ đồng.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, tính đến đầu tháng 5, số lượng nhạc sĩ ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam trong việc thu phí tác quyền âm nhạc là 6.720 người, tăng 400 người so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nhiều nhạc sĩ và tác giả trẻ đăng ký trở thành hội viên Trung tâm. Điều đó cho thấy, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, địa chỉ tin cậy của các thế hệ nhạc sĩ, tác giả.
Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, trong năm 2025, Trung tâm phấn đấu thu khoảng 500 tỷ đồng tiền bản quyền âm nhạc cho các hội viên (tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2024), đồng thời có những điều chỉnh rất cụ thể nhằm đạt được mục tiêu này. Trung tâm cũng tăng cường hỗ trợ các tác giả rà soát tác phẩm, đặc biệt là vấn đề bảo lưu bản quyền, lấy lại quyền cho tác giả nếu có các giao dịch hoặc nếu hợp tác đã hết thời hạn, nhằm đảm bảo quyền lợi và việc khai thác tối đa bản quyền cho tác giả, tránh bị thiệt hại hoặc bị lợi dụng; hỗ trợ các vấn đề pháp lý về đại diện, về thừa kế, tranh chấp quyền tác giả.
Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nhận định, thời gian gần đây, các đơn vị sử dụng nhạc nền đã có ý thức hơn trong việc xin phép đúng chủ thể quyền. Tuy nhiên, một số đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn còn né tránh, chưa tự nguyện thỏa thuận trả tiền bản quyền. Nhiều đơn vị sử dụng tác phẩm ở lĩnh vực trực tuyến vẫn tìm cách né tránh và không hợp tác. Trung tâm đã tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm, thúc đẩy nhanh các vụ kiện xử lý xâm phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong các lĩnh vực biểu diễn, phát sóng, truyền đạt và đặc biệt trong lĩnh vực sao chép trực tuyến do có nhiều kênh Youtube xâm phạm quyền tác giả...
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết thêm, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vừa có báo cáo gửi các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí liên quan đến những thông tin cho rằng Trung tâm ngăn chặn phổ biến các tác phẩm âm nhạc cách mạng trên nền tảng YouTube. Theo đó, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khẳng định, việc thực hiện các biện pháp công nghệ là hoàn toàn đúng với quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ, cho phép chủ thể quyền hoặc tổ chức đại diện được quyền "áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm", nhằm bảo vệ quyền tác giả, không có yếu tố kiểm duyệt hay cản trở lan tỏa giá trị cách mạng. Việc chặn các video vi phạm là yêu cầu của chính các tác giả hoặc đại diện chủ sở hữu quyền, đồng thời là trách nhiệm mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải thực hiện, trên cơ sở được ủy quyền hợp pháp từ các tác giả và đại diện gia đình tác giả, là chủ sở hữu tác phẩm.
Thông qua đối soát dữ liệu, Trung tâm xác định các bản ghi bị chặn chứa các ca khúc cách mạng nổi tiếng như “Đoàn vệ quốc quân” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Tiến bước dưới quân kỳ” của nhạc sĩ Doãn Nho, “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao... Nguyên nhân các bản ghi bị chặn là do đơn vị doanh nghiệp tư nhân đã sử dụng tác phẩm thuộc quyền quản lý của Trung tâm mà không xin phép và không thanh toán bản quyền theo quy định, điều này vi phạm Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn khẳng định, hiện nay, hàng nghìn tác phẩm âm nhạc thuộc kho tàng các ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ Việt Nam, trong đó có hàng trăm bản ghi các ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ như Phạm Tuyên, Doãn Nho, Phan Huỳnh Điểu… vẫn đang được những đơn vị, tổ chức, cá nhân có ý thức tuân thủ quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ sử dụng hợp pháp và lan tỏa rộng rãi trên YouTube. Qua đó, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền và giáo dục lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, lòng biết ơn và ý chí phấn đấu, đặc biệt là cho thế hệ trẻ Việt Nam; thành quả lao động sáng tạo của các tác giả, nhạc sĩ càng được tôn vinh và ghi nhận, đồng thời được bảo vệ tương xứng theo chính sách pháp luật của Việt Nam./.