Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề truyền thống và là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên được công nhận ở Bình Phước.
Trong 5 ngày (từ ngày 3-7/4), tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng, sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và truyền dạy về bảo tồn, phát huy kỹ thuật chế biến rượu cần truyền thống của người S’tiêng.
Theo đó, gần 150 học viên được truyền thụ những kiến thức tổng quan về văn hóa dân tộc S’tiêng nói chung, di sản “Kỹ thuật chế biến rượu cần truyền thống của người S’tiêng”. Đặc biệt, các học viên được áp dụng lý thuyết đi đôi với thực hành, được hướng dẫn và trải nghiệm cách làm men rượu từ những nguyên liệu tự nhiên như vỏ, lá các loại cây rừng... Khóa tập huấn còn cung cấp những kiến thức về kỹ thuật làm rượu cần truyền thống đúng tiêu chuẩn, đảm bảo thơm, ngon, đậm đà hương vị truyền thống.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Nguyễn Khắc Vĩnh nhấn mạnh, việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và truyền dạy về bảo tồn, phát huy kỹ thuật chế biến rượu cần truyền thống của người S’tiêng nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống nói chung, bảo tồn và phát huy “kỹ thuật chế biến rượu cần truyền thống của người S’tiêng tỉnh Bình Phước” nói riêng; phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Nguyễn Khắc Vĩnh mong muốn các học viên sau khi học tập, nghiên cứu, sẽ vận dụng vào thực tiễn đời sống sinh hoạt, lao động, công tác, để bảo tồn, phát huy tốt kỹ thuật chế biến rượu cần truyền thống của người S’tiêng tỉnh Bình Phước nói riêng, văn hóa truyền thống nói chung. Những thông tin, kiến thức bổ ích phục vụ thực tiễn đời sống sinh hoạt, lao động, công tác tại đơn vị, địa phương sẽ góp phần xây dựng thương hiệu “Rượu cần truyền thống của người S’tiêng tỉnh Bình Phước” ngày càng phát triển, vươn cao, bay xa.
Rượu cần theo tiếng S’tiêng là Đ’rắp S’lung hay Rơ nơm Đ’rắp, là thức uống truyền thống lâu đời và độc đáo của người S’tiêng Bình Phước. Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề truyền thống được hình thành lâu đời qua nhiều thế hệ, tích lũy qua thời gian. Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống thể hiện qua cách nhận diện và khai thác phù hợp các nguyên liệu từ tự nhiên (lá cây, vỏ cây rừng), cách phối trộn độc đáo giữa các men lá với nguyên liệu (lúa, gạo), tạo ra sản phẩm rượu cần mang lại sự khác biệt về hương vị, độ đậm đà và chất lượng.
Đây là sản vật đặc trưng, góp phần vào sự phong phú, đa dạng của văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Rượu cần còn thể hiện văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng, mối quan hệ gắn kết cộng đồng về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng. Đây còn là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ hội quan trọng của cộng đồng hay các sự kiện trọng đại mang tính bước ngoặt của vòng đời người S’tiêng.
Trải dài theo năm tháng, kỹ thuật chế biến rượu cần đã trở thành một trong những giá trị văn hóa độc đáo của người S’tiêng Bình Phước nói riêng và mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất, con người Bình Phước nói chung được duy trì và bảo tồn cho đến ngày nay.
Với những giá trị và ý nghĩa đặc trưng, ngày 19/4/2018 “Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng Bình Phước” vinh dự trở thành 1 trong 25 Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được phê duyệt theo Quyết định số 841/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước và là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên được công nhận ở Bình Phước theo Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch./.