Văn hóa

Tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch

TP. Hồ Chí Minh

Gắn kết doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo du lịch, tạo ra thị trường lao động ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp tthời gian tới.

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

TTXVN - Chiều 6/4, Sở Du lịch phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Toạ đàm đào tạo tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch”.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2020 và 2021 là giai đoạn ngành Du lịch Thành phố nói riêng và cả nước nói chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Hậu quả là nguồn nhân lực của ngành Du lịch Thành phố mất cân đối trầm trọng do chuyển sang các ngành nghề khác. Khi Việt Nam mở cửa trở lại để đón khách quốc tế (tháng 3/2022), việc thiếu hụt nguồn lao động trong phục vụ, quản lý là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Từ thực trạng này, Sở Du lịch Thành phố đã nỗ lực kết nối các doanh nghiệp kinh doanh và các cơ sở đào tạo du lịch để cùng tìm giải pháp bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt. Tọa đàm là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và các cơ quan, sở, ban, ngành liên quan chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về xu hướng đào tạo và phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách nói chung và nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị trong lĩnh vực này nói riêng.

Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các giải pháp trước mắt hoặc lâu dài để hỗ trợ các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch kịp thời. Đây còn là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo du lịch, tạo ra thị trường lao động ngành Du lịch thành phố năng động, sáng tạo và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Cùng quan điểm, bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc nhân sự Công ty Du lịch Vietravel chia sẻ kế hoạch tuyển dụng nhân sự năm 2023 của doanh nghiệp là hơn 270 nhân viên, người lao động ở các lĩnh vực như: nhân viên kinh doanh, nhân viên tại các đơn vị hỗ trợ, nghiệp vụ trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, 90% lực lượng ứng viên chỉ mới tốt nghiệp và đều cần đào tạo lại về kỹ năng giao tiếp, xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình làm việc với khách hàng, đồng nghiệp.

Khách tham quan mua tour du lịch trong Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh 2023. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực du lịch, bà Trần Thị Việt Hương đề xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần tăng cường vai trò là cầu nối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề du lịch. Trong đó, các đơn vị chú trọng xây dựng chương trình và phương pháp đào tạo nguồn nhân lực theo hướng nâng cao tính thực hành gắn liền nâng cao nhận thức về ngành Du lịch, nghiệp vụ, ngoại ngữ của nhân sự làm việc trong ngành; phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tổ chức các chương trình định hướng nghề du lịch. Các cơ sở đào tạo cần thường xuyên cập nhật xu thế phát triển du lịch, quan tâm đổi mới chương trình theo hướng hội nhập quốc tế, lồng ghép vào chương trình đào tạo các tiêu chuẩn nghề. Đồng thời, việc đào tạo lý thuyết cần chú trọng gắn kết thực hành, nâng cao yêu cầu về kỹ năng nghề, kỹ năng xử lý tình huống và ưu tiên kỹ năng giao tiếp thông thạo bằng ngoại ngữ.

Để nâng cao số lượng, chất lượng đào tạo nhân lực ngành Du lịch, bà Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Sài Gòn Tourist đề xuất một số giải pháp như: Trường đào tạo thường xuyên kiểm tra, cập nhật chương trình đào tạo; chủ động bắt tay trực tiếp với các doanh nghiệp trong ngành; kết nối chặt chẽ với các địa phương, giải quyết nhu cầu nhân lực theo vùng liên kết. Tổng cục Du lịch cần nghiên cứu mở rộng các chương trình liên kết quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi và có chế độ hỗ trợ cho cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong phối hợp.

Tại tọa đàm, các đại biểu chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm, các mô hình đào tạo và thực trạng tuyển dụng của cơ sở lưu trú du lịch hiện nay và trong thời gian tới; đồng thời, định hướng việc làm cho thanh niên trong lĩnh vực du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh; các vấn đề đào tạo, tuyển dụng tại đơn vị và những khó khăn, thách thức; đề xuất các giải pháp, kiến nghị liên quan đến hoạt động của ngành Du lịch trong thời gian tới.../.

Thanh Vũ

Xem thêm