Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, địa danh nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, địa danh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc giúp thế hệ trẻ hiểu hơn lịch sử, văn hóa dân tộc.
Sáng 27/9, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, địa danh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc.
Phát biểu đề dẫn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Đáp nhấn mạnh, sinh thời, Bác Hồ đã dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm to lớn với Bắc Ninh. Người đã 18 lần đến thăm và làm việc với cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Mỗi lần Người đến đều để lại dấu ấn sâu sắc, đặc biệt về tư tưởng, đạo đức, phong cách của một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, nguồn động viên, cổ vũ tinh thần to lớn để cán bộ, nhân dân Bắc Ninh hoàn thành nhiệm vụ trong từng thời kỳ lịch sử. Các di tích, địa danh gắn liền với những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, làm việc có giá trị, ý nghĩa to lớn, trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng và đạo đức cách mạng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng.
Hội thảo nhằm nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện, đầy đủ, sâu sắc giá trị các địa danh, di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại Bắc Ninh. Trên cơ sở đó, đưa ra định hướng và giải pháp làm tốt hơn việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, địa danh Người đến thăm, làm việc trong đời sống đương đại. Đồng thời góp phần thiết thực trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay...
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học tập trung nghiên cứu, làm rõ vấn đề khoa học về giá trị, ý nghĩa to lớn của những di tích, địa danh gắn liền với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, làm việc tại tỉnh; chủ trương, đường lối, nhiệm vụ cách mạng mà Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho cán bộ, nhân dân tỉnh trong từng thời kỳ cách mạng ở nước ta. Các đại biểu cũng nêu lên tư tưởng, quan điểm đại đoàn kết dân tộc của cán bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong thực hiện những lời huấn thị, căn dặn của Bác Hồ để hoàn thành nhiệm vụ; đặc biệt nghiên cứu và đánh giá mặt tích cực, những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước đối với các di tích, địa danh Người đã đến thăm và làm việc. Từ đó, các đại biểu đề xuất định hướng, giải pháp thiết thực, hữu hiệu nhằm tham vấn với cấp có thẩm quyền, cơ quan, đơn vị chuyên môn, nhân dân địa phương làm tốt hơn việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nội dung gắn bó mật thiết với nhân dân là những bài học sinh động, thiết thực, giá trị về lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đó là những bài học về yêu thương, phấn đấu vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân; tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân; sâu sát dân, gần dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; coi trọng phòng, chống bệnh quan liêu, xa dân và các căn bệnh khác... Những chuyến thăm và làm việc của Người tại Bắc Ninh là minh chứng thuyết phục thể hiện rõ nội dung và giá trị này.
Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, người khởi xướng phong trào "Nghìn việc tốt" được phát động năm 1963 tại Bắc Ninh cho rằng, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, địa danh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc rất quan trọng. Qua đó giúp người dân, đặc biệt là giới trẻ hiểu hơn lịch sử, văn hóa dân tộc, từ đó, khơi dậy tình yêu nước, tự hào, truyền cảm hứng, động lực sống, cống hiến cho người dân. Vì vậy, các cơ quan Nhà nước cần quan tâm tuyên truyền, giới thiệu, tu bổ các “địa chỉ đỏ” này./.