Công tác bảo tồn, phát huy giá trị Then của người Tày, Nùng đã được các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh Bắc Giang quan tâm, chú trọng thực hiện.
Bắc Giang là một trong 11 địa phương sở hữu di sản Thực hành Then được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị Then của người Tày, Nùng đã được các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh Bắc Giang quan tâm, chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp và hoạt động thiết thực.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm, sau khi di sản Then được UNESCO ghi danh, tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, trong đó ưu tiên bảo tồn các di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh và đề ra nhiệm vụ cụ thể để bảo tồn và phát huy di sản thực hành Then theo từng giai đoạn. Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản triển khai tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đến các phòng, đơn vị trực thuộc Sở và các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Lạng Giang, Yên Thế.
Cùng đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang và các huyện có di sản Then: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Lạng Giang, Yên Thế đã thực hiện chương trình khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, lưu trữ, trưng bày và tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Tày, Nùng trên địa bàn 49 xã với hơn 200 thôn bản, trong đó quan tâm, chú trọng đến di sản Then. Kết quả, đã xây dựng 2 phim tư liệu, chụp và làm hồ sơ hàng trăm ảnh tư liệu, sưu tầm được nhiều hiện vật về di sản Then và tổ chức trưng bày, giới thiệu di sản Then đến đông đảo quần chúng nhân dân.
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Bắc Giang hằng năm đều tổ chức các lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính với đối tượng là các hạt nhân văn nghệ hát Then - Đàn tính trên địa bàn các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Hiện có gần 200 lượt học viên theo học và có được những kết quả khả quan.
Tại các huyện, ngành văn hóa cũng rất chú trọng công tác bồi dưỡng Then cho thế hệ trẻ. Hằng năm, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang đều tổ chức các lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính cho các Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, công tác truyền dạy hát Then- đàn Tính còn được huyện Sơn Động tổ chức giảng dạy chính khóa tại giờ học âm nhạc cho các em học sinh khối trung học cơ sở thuộc các xã vùng Đông Bắc của huyện - nơi có nhiều đồng bào dân tộc Tày sinh sống; huyện Lục Ngạn đưa hát Then, đàn Tính vào truyền dạy tại một số trường trường trung học cơ sở vào các giờ hoạt động ngoại khóa, giáo dục địa phương thu hút nhiều học sinh tham gia.
Tỉnh cũng khuyến khích các địa phương có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống, thành lập các câu lạc bộ hát Then - đàn Tính. Những năm qua, các câu lạc bộ hát Then- đàn Tính ở các địa phương được thành lập ngày một nhiều. Hiện nay tỉnh Bắc Giang có 20 câu lạc bộ; một số địa phương dành kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, trang phục, nhạc cụ… đảm bảo điều kiện duy trì các hoạt động của câu lạc bộ.
Bắc Giang tạo điều kiện cho di sản Then được bảo lưu, trao truyền, nuôi dưỡng và phát triển thông qua các sự kiện văn hóa - du lịch, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch, các kỳ liên hoan; các dịp lễ hội, các hội thi, hội diễn, các hội nghị… phục vụ nhu cầu giao lưu giải trí của nhân dân cũng như các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy di sản Then Tày, Nùng ở Bắc Giang vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó là, chưa nghiên cứu, thống kê thống kê đầy đủ về các làn điệu trong thể loại hát Then; số lượng Then nghi lễ được thực hiện tư liệu hóa chưa nhiều. Số lượng người am hiểu về nghi lễ Then không còn nhiều, phần lớn thế hệ trẻ không biết hát Then (đặc biệt là làn điệu Then cổ). Cùng đó, việc truyền dạy hát Then do các nghệ nhân, nghệ sĩ truyền dạy chủ yếu theo bản năng, kinh nghiệm, kỹ năng sử dụng cây đàn tính, chưa có giáo trình, giáo án bài bản nên chất lượng giảng dạy hạn chế. Ngoài ra, mức đầu tư kinh phí cho công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa nói chung, di sản thực hành Then nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu…
Thời gian tới, để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then Tày – Nùng tại tỉnh Bắc Giang, ngành văn hóa tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến đồng bào dân tộc Tày, Nùng những văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, giúp đồng bào nhận thức rõ giá trị văn hóa độc đáo của Then xứng đáng được cộng đồng gìn giữ. Ngành văn hóa tỉnh đẩy mạnh công tác quảng bá về giá trị di sản thực hành Then tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước; tiếp tục thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm các tài liệu hiện vật, trang phục, nhạc cụ… của các nghệ nhân thực hành Then, tư liệu hóa di sản Then. Ngành tổ chức nhiều cuộc thi, nhiều Liên hoan dân ca các dân tộc tạo không khí sinh hoạt Then tốt trong cộng đồng.
Tỉnh tiếp tục duy trì, phát triển các câu lạc bộ hát Then; mở rộng hình thức, phương pháp truyền dạy; đào tạo nghệ nhân trẻ; truyền dạy và thực hành tại cộng đồng; có cơ chế đãi ngộ với các nghệ nhân hát Then. Cùng đó, ngành văn hóa phối hợp với ngành giáo dục đưa chương trình dạy hát Then vào giảng dạy trong trường học, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào Tày, Nùng cư trú; phối hợp với các ban, ngành liên quan để biên soạn giáo án, giáo trình phục vụ giảng dạy hát Then, đàn Tính trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh định hướng đưa di sản Then trở thành một sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách trong và ngoài nước./.