Để bản sắc dân tộc K’Ho không bị mai một, thầy và trò Trường Trung học Cơ sở Tân Thượng đã cùng nhau triển khai mô hình bảo tồn văn hóa ngay tại trường học.
Để bản sắc dân tộc K’Ho không bị mai một, thầy và trò Trường Trung học Cơ sở Tân Thượng (xã Tân Thượng, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đã cùng nhau triển khai mô hình bảo tồn văn hóa ngay tại mái trường thân yêu. Hoạt động ý nghĩa này đã góp phần giữ gìn văn hóa đặc trưng của người dân tộc K’Ho ở cao nguyên Di Linh nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Ngày đầu tuần, thay vì mặc đồng phục như ở những ngôi trường khác, em Ka Nguyễn Thị Bích Hữu (lớp 7A3, Trường Trung học Cơ sở Tân Thượng) diện bộ váy thổ cẩm đẹp nhất đến trường. Hữu cho biết, em thấy vui và tự hào khi được đi học trong trang phục thổ cẩm này. Bộ trang phục có những hoa văn truyền thống, được cách điệu một vài chi tiết nên rất đẹp và thời trang. Do đó, em muốn được mặc bộ trang phục này đi học nhiều hơn.
Tại sân trường Trung học Cơ sở Tân Thượng, nhiều nữ sinh duyên dáng trong trang phục truyền thống của dân tộc. Các bạn nam mặc áo ghi-lê thổ cẩm kết hợp với sơ mi trắng thanh lịch.
Trường Trung học Cơ sở Tân Thượng hiện có 377 học sinh các khối từ lớp 6 đến lớp 9; trong đó, học sinh dân tộc thiểu số là 343 em với đa phần là người K’Ho. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã phát động các học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc đến trường. Ngoài ra, nhà trường cũng mở 2 lớp truyền dạy cồng chiêng và 2 lớp dạy chữ viết của dân tộc K’Ho cho học sinh. Đây đều là những hoạt động bên lề, không có trong chương trình giảng dạy tiêu chuẩn nhưng các em và giáo viên đều rất hào hứng tham gia.
Theo cô Ka Dúys (giáo viên Ngữ văn Trường Trung học Cơ sở Tân Thượng, kiêm đứng lớp dạy chữ K’Ho cho học sinh), hầu hết các học sinh chỉ giao tiếp nghe nói chứ chưa thành thạo về chữ viết K’Ho, do đó hoạt động giảng dạy này rất có ý nghĩa. “Là một người con của dân tộc K’Ho nên tôi rất vui và hạnh phúc khi nhà trường mở lớp dạy chữ dân tộc này. Bản thân tôi cũng nghiên cứu, tìm tòi phương pháp giảng dạy đơn giản để có thể truyền đạt cho các em ghi nhớ tốt hơn” - cô Ka Dúys chia sẻ.
Ngoài trang phục và chữ viết, mỗi tuần ở sân trường Trung học Cơ sở Tân Thượng lại vang vọng nhịp cồng chiêng với điệu múa Xoang truyền thống. Đây là lớp học cồng chiêng cho học sinh được nhà trường thuê nghệ nhân có uy tín tại địa phương về giảng dạy. Do không có kinh phí, những ngày có buổi tập, nhà trường đã đi mượn bộ cồng chiêng để các em học.
Theo thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Tân Thượng, trường có hơn 95% học sinh các khối lớp là người đồng bào dân tộc, trong đó đa phần là người K’Ho. Vì vậy, nhà trường có ý tưởng cho các em mặc trang phục đặc trưng của dân tộc vào ngày thứ 2 hằng tuần thay cho đồng phục chung như những trường khác trên địa bàn. “Mới đầu việc vận động các em và phụ huynh gặp nhiều khó khăn. Bởi thực tế, đồ thổ cẩm khá khó tìm và giá thành cũng cao nên nhiều phụ huynh còn lưỡng lự. Nhà trường đã tích cực vận động, đồng thời tìm thêm nguồn tài trợ hỗ trợ một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn” - thầy Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.
Thầy Dũng cho biết thêm, thời gian tới, nhà trường tiếp tục duy trì các hoạt động trên. Trường sẽ phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng của xã Tân Thượng cũng như Phòng Văn hóa huyện Di Linh để mở thêm các lớp dạy chữ viết, lớp cồng chiêng và tiếp tục duy trì trang phục dân tộc vào các ngày thứ 2. Từ đó phát huy, lan tỏa và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Nhận xét về mô hình bảo tồn văn hóa ở trường Trung học Cơ sở Tân Thượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh Vũ Đức Nhuần cho hay, đây là hoạt động ý nghĩa, giúp học sinh người dân tộc thiểu số có được sự tự tin. Qua đó, các em thấy được giá trị của việc bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Mô hình này là điểm sáng để địa phương kêu gọi các trường khác học tập, nhân rộng nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc trên địa bàn./.
- Từ khóa:
- Bảo tồn
- văn hóa
- dân tộc K’Ho
- trường học
- Lâm Đồng