Văn hóa

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Phú Thọ

Phong trào học nghề dệt thổ cẩm truyền thống được phát triển đã khơi dậy tinh thần tự hào, ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Mường tại huyện Tân Sơn.

Phụ nữ dân tộc Mường bên khung cửi
Ành: Đào An-TTXVN

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nghề dệt thổ cẩm ở các xã Kim Thượng, Minh Đài… huyện Tân Sơn nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung, phát triển rất mạnh. Theo thời gian, nghề truyền thống này mất dần sức hút đối với người dân địa phương.

Với sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, đến nay số lượng người biết làm nghề dệt thổ cẩm thông qua lớp truyền dạy nghề đã tăng lên đáng kể. Phong trào học nghề dệt thổ cẩm truyền thống được phát triển đã khơi dậy tinh thần tự hào, ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Mường tại huyện Tân Sơn.

Trưởng Phòng Văn hóa huyện Tân Sơn Cù Thị Thu Hằng, để gìn giữ nghề dệt truyền thống trước nguy cơ mai một, UBND huyện Tân Sơn đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của người Mường tại hai xã Kim Thượng và Xuân Đài. Huyện tổ chức kiểm kê, khảo sát, sưu tầm tư liệu, xây dựng lý lịch khoa học về nghề dệt thổ cẩm; hỗ trợ người dân kinh phí mở các lớp truyền dạy; thực hiện các phóng sự tuyên truyền quảng bá giá trị ý nghĩa của nghề dệt.

Các xã Kim Thượng, Xuân Đài tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của của dân tộc Mường, trong đó có nghề dệt thổ cẩm; vận động, khuyến khích nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhất con cháu trong gia đình

Tại xã Kim Thượng hiện có trên 50 hộ dệt thổ cẩm; hơn 50 nghệ nhân độ tuổi từ 50 - 70 tuổi, nắm giữ bí quyết, kỹ năng thực hành và có thể truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho cộng đồng. Xã Xuân Đài cũng có khoảng 173 hộ làm nghê, trên 1.000 người độ tuổi từ 30 - 65 tuổi biết dệt thổ cẩm; có 70 - 80 nghệ nhân độ tuổi từ 50 - 70. Xã Xuân Đài còn có Câu lạc bộ dệt thổ cẩm khu Vượng với 26 thành viên tham gia.

Những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống vẫn hiện hữu, đặc biệt là trang phục truyền thống vẫn được đồng bào dân tộc Mường ở các xã Kim Thượng, Xuân Đài, đồng bào dân tộc Mường ở huyện Tân Sơn sử dụng trong sinh hoạt, đời sống xã hội, nhất là vào những dịp Tết, lễ hội truyền thống hay các sự kiện văn hóa…

Nhờ vậy, Nghề dệt thổ cẩm của người Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm; đa dạng hóa các hình thức thông tin, truyền thông nhằm phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đối với đội ngũ bảo tồn, đồng bào, đặc biệt là thanh thiếu niên, các địa phương hiện còn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm. Huyện đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, giới thiệu nghề và sản phẩm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mường trên các phương tiện truyền thông, qua các triển lãm, festival du lịch. Huyện xây dựng, ban hành chính sách đầu tư, hỗ trợ cộng đồng, gia đình, nghệ nhân gìn giữ, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm./.

Đại Lâm

Xem thêm