Văn hóa

Lào Cai: Những câu chuyện và tình yêu với thổ cẩm của đồng bào các dân tộc

Lào Cai

Thổ cẩm như một kho tàng di sản với nhiều giá trị đặc sắc trở thành điểm nhấn, tạo sức hấp dẫn du khách khi đến Lào Cai.

Hoàn thiên sản phẩm thổ cẩm và handmade của phụ nữ Xa Phó tại Nậm Sài. 
Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Du khách lên vùng cao Lào Cai như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát... không khó để bắt gặp hình ảnh phụ nữ Mông, Dao, Tày, Nùng, Xa Phó mải mê ngồi thêu thổ cẩm nơi hiên nhà, trong góc chợ hay bên sạp hàng thủ công ven đường. Các chị, các mẹ đang say sưa từng họa tiết uốn lượn trên mặt vải lanh, vải bông như kể với du khách những câu chuyện và tình yêu với thổ cẩm.

Để tôn vinh giá trị và vẻ đẹp của thổ cẩm trong đời sống văn hóa tâm linh và tinh thần của cộng đồng các dân tộc, Lào Cai triển khai nhiều giải pháp bảo tồn ngành Dệt may thủ công cùng với trang phục truyền thống nói chung và nghề thêu, dệt thổ cẩm nói riêng.

* Thổ cẩm trong đời sống văn hóa

Nhuộm chàm thổ cẩm của người Mông xã Lao Chải, Sa Pa.
Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Thổ cẩm là loại vải dệt đẹp như gấm (cẩm) của các dân tộc thiểu số địa phương (thổ). Chất liệu thổ cẩm vì thế được xem là biểu tượng thể hiện rõ nét đời sống văn hóa và tinh thần phong phú cùng thế giới quan, nhân sinh quan của các dân tộc thiểu số Lào Cai. Trong đó, kỹ thuật tạo hoa văn trên thổ cẩm của người Mông đạt đến đỉnh cao, thể hiện nét đẹp độc đáo, tinh xảo, khó có thể bị trộn lẫn.

Dường như người con gái Mông nào cũng biết tự trồng lanh, dệt vải, may áo cho mình, chị Vàng Thùy Dung, người Mông Đen, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát chia sẻ.

Người con gái Mông ở tuổi mười hai đã biết tước lanh se sợi, theo mẹ vẽ sáp, thêu hoa. Thậm chí, với người Mông, trang phục không chỉ là đồ mặc thông thường mà nó còn đi sâu vào đời sống tâm linh. Bởi lúc chết, hầu như trang phục tang của người Mông vẫn được giữ nguyên như trang phục mặc thường ngày nhằm nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến nguồn cội, đoàn kết yêu thương nhau ngay cả khi đã sang thế giới bên kia.

Điều đó cho thấy người Mông trân trọng bộ y phục như thế nào. Cũng để thấy rằng sự tinh tế, kỹ lưỡng trên hoa văn thêu thùa, vẽ sáp, ghép vải... không chỉ đơn thuần chứa đựng tính thẩm mỹ, nó còn là quan niệm tín ngưỡng truyền thống mà người Mông không bao giờ quên vun đắp.

Chị Vàng Thùy Dung cho biết, để sản phẩm thổ cẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn, từ trồng lanh, thu hoạch, bóc tách sợi, giã sợi, quay sợi, nấu sợi, dựng khung dệt… Vải thổ cẩm được dệt chủ yếu là sợi bông thô, sợi lanh kết hợp màu nhuộm từ thiên nhiên. Điển hình, màu đen là màu của lá chàm; màu xanh lam là vỏ nướng của các loại ốc sống ở suối hòa với nước vôi trong; màu nâu đỏ là hỗn hợp đun sôi của vỏ cây, giấm và phèn chua...

Mỗi dân tộc đều có kỹ thuật làm dệt thổ cẩm riêng biệt với hoa văn và cách trang trí hoa văn trên trang phục khác nhau. Như điểm nhấn trên áo người Mông Đen là ở phần khuỷu của hai bên ống tay áo và cổ áo. Khuỷu tay áo được trang trí hoa văn hình quả trám màu xanh, ghép vải màu chiều ngang ống tay áo. Cổ áo được viền đỏ xung quanh, ghép vải màu các loại thành những đường gân nhỏ nổi và thêu hoa văn hình quả trám, tam giác, răng cưa... với chỉ xanh và đen là chủ đạo.

Công đoạn dệt vải từ sợi.
Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Các đường thêu hoa văn được chia thành 3 ô tương xứng trên cổ áo. Ngoài ra, hoa văn hình con ốc thêu từng cặp đôi xoay lưng vào nhau, ở giữa là hình vuông thêu bằng chỉ màu đen, trắng, xanh lá mạ cũng khá phổ biến trên trang phục phụ nữ Mông Đen, thể hiện rõ nhất trên thắt lưng hoặc mặt địu.

Ở các địa bàn vùng thấp như xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên hiện nay, dễ dàng nhận thấy, các gia đình người Tày còn lưu giữ khung cửi dệt thổ cẩm, đúng với câu tục ngữ địa phương: “Nhà người mẻ cất, mẻ căng/Nhà mình khung dệt kềnh càng dựa phên”.

Bà Nguyễn Thị San (bản Nà Khương) chia sẻ “Vải thổ cẩm của người Tày được làm từ sợi bông. Các hoa văn thổ cẩm được dệt trên các sản phẩm khăn, gối, chăn... với các ô đường diềm hình chữ nhật, chữ đinh, kết hợp ô hình quả trám, tam giác, hình con rùa...". Các họa tiết đối xứng nhau phản ánh về vũ trụ, triết lý âm dương.

Còn người Xa Phó ở xã Liên Minh, Sa Pa bên cạnh kỹ thuật thêu, họ sáng tạo kỹ thuật đính hạt cườm vào trang trí hoa văn thổ cẩm trên áo, váy. Sự phong phú về các loại hình kỹ thuật tạo hoa văn thổ cẩm, kỹ thuật nhuộm màu thiên nhiên độc đáo, an toàn làm nên vẻ đẹp đa dạng của hoa văn thổ cẩm trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

* Thổ cẩm hấp dẫn du khách

Thổ cẩm như một kho tàng di sản với nhiều giá trị đặc sắc trở thành điểm nhấn, tạo sức hấp dẫn du khách khi đến Lào Cai. Để tôn vinh giá trị và vẻ đẹp của thổ cẩm trong đời sống văn hóa tâm linh và tinh thần của cộng đồng các dân tộc, Lào Cai triển khai nhiều giải pháp bảo tồn ngành Dệt may thủ công cùng với trang phục truyền thống nói chung và nghề thêu, dệt thổ cẩm nói riêng.

Năm 2024 là năm đầu tiên Lào Cai tổ chức phát động Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc diễn ra từ ngày 15 - 19/4 và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân; thể hiện niềm tự hào, quyết tâm chung tay bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống.

Công đoạn thêu tay hoa văn thổ cẩm đòi hỏi sự cầu kỳ chi tiết.
Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung cho biết, từ năm 2021 - 2023, địa phương tổ chức hơn 30 lớp trao truyền kỹ năng, kỹ thuật, cách thức tạo ra y phục, hoa văn truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh theo phương pháp bảo tồn sống trong cộng đồng, lấy nghệ nhân của cộng đồng truyền dạy lại cho người dân tại địa phương. Tỉnh xây dựng 6 mô hình bảo tồn mẫu hoa văn, trang sức, trang phục dân tộc.

Đặc biệt, từ ngày 8 - 10/11/2024, Lào Cai tổ chức Festival “Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa” thị xã Sa Pa chủ đề Sa Pa thổ cẩm miền sương mây. Đây là sản phẩm du lịch mới nhằm quảng bá thu hút du khách đến tham quan và giới thiệu sắc màu thổ cẩm của Lào Cai, kích cầu du lịch sau ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.

Festival diễn ra hoạt động trình diễn về thổ cẩm và giới thiệu sản phẩm thổ cẩm đặc trưng các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó gắn với xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu làng du lịch, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề của tỉnh; trưng bày bộ trang phục, vải, hoa văn thổ cẩm các dân tộc; nghệ nhân trình diễn quy trình sản xuất thổ cẩm truyền thống các dân tộc...

Festival là cơ hội để Lào Cai quảng bá sản phẩm thổ cẩm; xây dựng Festival thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu của tỉnh, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó phát triển sản phẩm thổ cẩm đáp ứng nhu cầu du khách. Đồng thời, góp phần thực hiện đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" và dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch năm 2024” của tỉnh./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm