Trong năm 2023, tỉnh Lạng Sơn cần bám sát nhiệm vụ đã được phân công, tiếp tục xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
TTXVN - Ngày 8/2, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ban Chỉ đạo 138) tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chủ trì Hội nghị Tổng kết Công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong công tác xây dựng phong trào năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong năm 2023, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và các huyện, thành phố cần bám sát nhiệm vụ đã được phân công; coi trọng công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; triển khai đồng bộ các biện pháp về ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ; kịp thời phát hiện, đấu tranh vô hiệu hóa âm mưu, chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Các đơn vị chủ động nghiên cứu, đổi mới nội dung, đa dạng hình thức, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng đảm bảo “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện” gắn với các hoạt động dân vận khéo, nhân đạo, từ thiện hướng về cơ sở, đặc biệt là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa để giải quyết kịp thời những yêu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thành phố duy trì, thực hiện có hiệu quả tiêu chí về an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới gắn với việc thực hiện quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”…
Các cấp, ngành cần xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa, tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự từ cơ sở; vận động nhân dân chủ động phát hiện, tố giác tội phạm, tham gia giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người vi phạm pháp luật, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cần bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, tạo sức lan tỏa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời gắn phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác như: Chung sức xây dựng nông thôn mới; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Uống nước nhớ nguồn; Đền ơn đáp nghĩa… phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc phối hợp giữa lực lượng công an với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục được thực hiện hiệu quả trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng, củng cố lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố xứng đáng là những lực lượng nòng cốt, tạo tiền đề vững chắc trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đặc biệt, thành phố Lạng Sơn cần tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho Công an 5 phường, trong đó, năm 2023 hoàn thành xây dựng thí điểm Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị đối với Công an phường Hoàng Văn Thụ; xây dựng văn hóa khu phố, văn hóa bàn hàng hóa, quảng cáo, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo làn gió mới trong phong trào.
Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo 138 các cấp trong tỉnh Lạng Sơn đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở. Trong đó, toàn tỉnh đã tổ chức 32 cuộc phát động phong trào tập trung; duy trì hoạt động có hiệu quả 66 mô hình liên kết tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về An ninh trật tự; xây dựng mới 16 mô hình An ninh trật tự tại các cơ quan, doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn; do vậy, tội phạm trên địa bàn được kiềm chế, đẩy lùi, không để hình thành tội phạm có tổ chức, phạm pháp hình sự giảm, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Tại hội nghị, đại biểu ở các điểm cầu đã trao đổi, chia sẻ bài học, kinh nghiệm, cách làm hiệu quả và đề ra các giải pháp thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời gian tới./.