Giáo dục

Giải pháp đuổi muỗi, phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả của hai học sinh ở Khánh Hòa

Khánh Hòa

Ngoài kết hợp tinh dầu và lá bạch đàn cùng nhau để tạo nên nụ hương tinh dầu bạch đàn đuổi muỗi, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, một số bệnh ngoài da, ứng dụng vào sản xuất nước hoa, mỹ phẩm…

Hai em học sinh cùng cô giao hướng dẫn trong phòng thí nghiệm để tạo nên sản phẩm nụ hương tinh dầu bạch đàn tự nhiên, có hiệu quả cao trong việc đuổi muỗi, phòng chống sốt xuất huyết. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

TTXVN - Xuất phát từ thực tiễn nơi ở thường xuyên có muỗi vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết ảnh hưởng sức khỏe bản thân và người dân, hai em Nguyễn Hoàng Nhật Linh, Kiều Khánh An, lớp 9/4 Trường Trung học Cơ sở Lương Định Của, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đã làm ra sản phẩm nụ hương tinh dầu bạch đàn để đuổi muỗi. Đây là giải pháp nghiên cứu khoa học đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh Trung học cấp thành phố và giải Nhì cấp tỉnh năm học 2022-2023.

Nguyễn Hoàng Nhật Linh cho biết, việc phòng chống tác hại của muỗi là vấn đề cấp bách được toàn dân quan tâm. Hiện nay, để tìm ra sản phẩm đuổi muỗi an toàn, thân thiện môi trường là rất khó, bởi phần lớn các sản phẩm đều làm từ chất liệu tổng hợp tạo mùi thơm có độc tính đối với cơ thể như toluen, aceton, focmaldehit… Các chất này có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, tổn thương hệ thần kinh. Vì vậy, khi chọn đề tài nghiên cứu khoa học, chúng em muốn có thể góp sức tạo ra sản phẩm thuần thiên nhiên, có giá thành rẻ, dễ sử dụng.

Hai em thực hiện đề tài nụ hương tinh dầu bạch đàn trong vòng 11 tháng từ một lần tình cờ đến nhà bạn chơi vào năm lớp 8 khi ngang qua khu vực Tháp Bà - nơi có nhiều cây bạch đàn. Lúc đó, nhìn thấy nhiều cây bạch đàn rơi lá, Nhật Linh nhớ đến thông tin lá cây này có thể đuổi muỗi rất tốt. Khi trở về nhà, Nhật Linh cùng bàn với Khánh An, từ đó quyết định tận dụng lá cây để chiết xuất tinh dầu và làm nụ hương vừa đuổi muỗi vừa góp phần giữ gìn làng nghề nhang lâu đời tại phường Ngọc Hiệp.

Kiều An cho biết thêm, lá bạch đàn hay còn gọi là khuynh diệp, tên khoa học là Eucalyptus có nhiều hợp chất tốt, thích hợp trong việc sử dụng để làm nụ hương đốt lên đuổi muỗi. Để tận dụng hết công năng của lá bạch đàn, hai em quyết định chưng cất tinh dầu bạch đàn, sau đó, bổ sung vào nụ hương bạch đàn. Nhờ đó, nụ hương sẽ có hương thơm gấp nhiều lần, đuổi muỗi hiệu quả hơn mà giá thành không cao.

Hoàn thiện ý tưởng, hai em tiến hành thu gom lá bạch đàn từ Nha Trang đến huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh. Bước đầu, hai em sử dụng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước nhằm tách chiết tinh dầu từ lá bạch đàn. Trong quá trình chưng cất, tinh dầu nổi lên phía trên, chỉ cần tách nước là thu được phần tinh dầu. Sau khoảng 3 giờ chưng cất, hai em thu được 60ml tinh dầu nguyên chất từ hơn 40kg lá bạch đàn tươi.

Tiếp đó là giai đoạn rất quan trọng - thử nghiệm xác định lượng tinh dầu tối ưu để xua đuổi muỗi. Muỗi được nhốt trong điều kiện nhiệt độ phòng thí nghiệm, ánh sáng vừa phải. Khi tẩm tinh dầu vào khăn, đặt trong lồng nhốt ở những phút đầu, muỗi đã có phản ứng và bay loạn xạ, tránh nơi có tinh dầu. Khoảng 3 giờ sau, muỗi thử nghiệm bất tỉnh hoàn toàn. Hiệu quả bước đầu giúp Nhật Linh và Khánh An có thêm niềm tin tiếp tục công việc làm nụ hương bạch đàn. Để làm nụ hương, lá bạch đàn sau khi thu hái về được làm khô, xay thành bột và trộn các chất theo công thức nhất định.

Hai em học sinh Nguyễn Hoàng Nhật Linh và Kiều Khánh An (bên trái) trong phòng thí nghiệm và sản phẩm nụ hương tinh dầu bạch đàn tự nhiên, có hiệu quả cao trong việc đuổi muỗi, phòng chống sốt xuất huyết. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Nếu công đoạn tìm công thức trộn các chất bạch đàn, bột bờ lời, nước, tinh dầu khó khăn do các em chưa có kinh nghiệm, công đoạn phơi sấy nụ hương khó gấp đôi. Thời điểm làm nghiên cứu khoa học của hai em thời tiết trên địa bàn thành phố Nha Trang mưa nhiều. Do đó, sản phẩm đầu không kết dính được khi tạo hình, không có thẩm mỹ đẹp… Vì vậy, tranh thủ giờ học chính khóa, hai em cùng nhau lên phòng thí nghiệm của trường, miệt mài làm để kịp có sản phẩm phơi khô khi trời nắng. Sau đó, nhờ sự hướng dẫn của cô giáo, hai em đã khắc phục bằng cách phơi dưới bóng đèn sợi đốt. Từ cuộc thi cấp thành phố đến cấp tỉnh, hai em đã làm được gần 1.000 nụ hương tinh dầu bạch đàn từ kinh phí được hỗ trợ từ gia đình và nhà trường. Giá thành của mỗi nụ hương tinh dầu bạch đàn khoảng 1.000 đồng/nụ. Do còn đi học, hai em chưa tính đến phương án thương mại trong thời gian tới, Khánh An chia sẻ thêm.

Nhờ nỗ lực vượt khó, chăm chỉ và không nản chí, sản phẩm của hai em đạt hiệu quả cao. Một nụ hương tinh dầu bạch đàn có tác dụng xua đuổi muỗi ít phút sau khi đốt và kéo dài đến 4 giờ. Sản phẩm nụ hương hoàn thành được gửi mẫu đến Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, thành phần khói bay ra an toàn với môi trường và sức khỏe con người.

Nhật Linh cho biết, quá trình tìm hiểu và tự làm ra nụ hương tinh dầu bạch đàn, chúng em thu được thêm nhiều kiến thức. Ngoài kết hợp tinh dầu và lá bạch đàn cùng nhau để tạo nên nụ hương tinh dầu bạch đàn đuổi muỗi, bản thân tinh dầu bạch đàn có nhiều giá trị như, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, một số bệnh ngoài da, ứng dụng vào sản xuất nước hoa, mỹ phẩm… Do đó, thời gian tới, chúng em tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm, bao bì, đa dạng mẫu mã và nghiên cứu thêm nhiều hợp chất tự nhiên có lợi phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các bệnh thông thường.

Cô Võ Nữ Huyền Oanh, giáo viên Hóa học Trường Trung học Cơ sở Lương Định Của, người hướng dẫn hai học sinh thực hiện dự án cho biết: Nhật Linh học tốt môn Văn, còn Khánh An học tốt môn Tiếng Anh. Mỗi em có mỗi thế mạnh riêng nhưng lại có chung đam mê nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Hai em đã trưởng thành từ việc tự tìm tòi, nghiên cứu, trải nghiệm, không ngại thất bại để hoàn thành mục tiêu đề ra.

“Tôi mong muốn các em tiếp tục phát triển đề tài này tốt hơn trong tương lai. Mặc khác, kết quả cao từ công trình nghiên cứu khoa học của hai em học đã góp phần tạo nên khí thế, giúp học sinh của trường tự tin trong nghiên cứu khoa học”, cô Huyền Oanh chia sẻ./.

Phan Sáu

Xem thêm