Vượt bao sóng gió, món quà đong đầy tình thương yêu của các bạn học sinh Hà Nội đã được trao tận tay thầy và trò Trường Tiểu học Trường Sa.
TTXVN - Đồng hành cùng nữ phóng viên TTXVN tham gia chuyến công tác thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại quần đảo Trường Sa dịp đầu năm 2023 có một nhân vật đặc biệt; đó là chú lợn đất “Chiến binh” của các học sinh lớp 5D năm học 2021-2022 Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Vượt bao sóng gió, món quà đong đầy tình thương yêu đã được trao tận tay thầy và trò Trường Tiểu học Trường Sa.
Món quà Tết từ Thủ đô
Khi nhận thông báo về hành trình đến với Trường Sa dịp Tết này, nữ phóng viên TTXVN đã tâm sự với người bạn thân là cô giáo Vũ Thị Thu Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Đô. Ngay sau đó, cô Thủy nhờ phóng viên mang giúp một chú lợn đất do cô và học trò năm học trước cùng nuôi để tặng thầy trò Trường Tiểu học Trường Sa như một món quà đầu năm mới.
Qua những câu chuyện cô Thủy kể lại, chú lợn đất “Chiến binh” đã được các học sinh của cô “nuôi” trong suốt năm học 2021-2022 bằng tiền tiết kiệm, tiền mừng tuổi. Đây không phải là chú lợn đất đầu tiên lớp cô Thủy nuôi được. Hoạt động này đã được cô giáo và các học sinh từng năm học làm cách đây 10 năm. Những chú lợn đất mang những cái tên dễ thương như “Mộng Mơ”, “Chóe”, “Chiến binh”… đã được gửi đi khắp nơi, đến với những hoàn cảnh khó khăn, những người mắc bệnh hiểm nghèo, trường học nơi vùng sâu vùng xa...
Cô giáo Thu Thủy tâm sự, ý tưởng của cô nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các phụ huynh và học sinh. Các em đã biết dành dụm tiền để nuôi lợn với mong muốn giúp được nhiều người khác khó khăn hơn mình. Nhiều phụ huynh cho biết, con của họ đã biết chia sẻ, không còn sống ích kỷ. Đó là điều cô mừng nhất khi cùng các con thực hiện ý tưởng này.
Chú lợn đất “Chiến binh” đã theo phóng viên TTXVN di chuyển từ Hà Nội tới cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), rồi đến Trường Sa cùng với máy tính, máy ảnh và rất nhiều vật dụng khác. Trên hành trình, phóng viên TTXVN và các đồng nghiệp đã thay nhau bọc, gói bằng khăn vải mềm, túi chuyên dụng chống nước để chú lợn đất được lành lặn khi trao cho thầy và trò Trường Tiểu học Trường Sa.
Lớp học đặc biệt
Ngôi trường tiểu học trên đảo Trường Sa thật đặc biệt khi chỉ có một lớp học dành cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Thầy Bành Hữu Tình (người từng viết bức tâm thư dài gần 5 trang A4 tình nguyện ra Trường Sa dạy học) ra tận cửa đón học sinh trong giờ học buổi chiều.
Khi phóng viên TTXVN mang chú lợn đất sặc sỡ đến nơi, em Lâm Nhật Tinh Anh (học sinh lớp 3) đã reo lên vui mừng. Sau đó, những đứa trẻ lớn, nhỏ chạy ào đến. Chú lợn đất đến từ Hà Nội thực sự mang lại sự bất ngờ cho các em. Cậu bé Lâm Nhật Tinh Anh hỏi với giọng háo hức: “Chú heo đất này đẹp quá cô ơi. Chúng con sẽ được giữ nó chứ?”. Lũ trẻ đưa tay sờ quanh chú lợn, mắt lấp lánh, miệng cười nói không ngớt, thích thú nhìn hai chữ “Chiến binh” vẽ trên thân chú lợn.
Bằng giọng đọc chậm rãi, thầy Bành Hữu Tình đã đọc bức thư của em Nguyễn Phương Mai (học sinh lớp 5D năm học 2021-2022 Trường Tiểu học Nghĩa Đô) gửi các em “hải quân nhí” trên đảo Trường Sa. Những lời gửi gắm, động viên từ Hà Nội đã khiến các học sinh xúc động, chăm chú lắng nghe.
Bức thư có đoạn: “Chị biết cuộc sống nơi đảo xa còn nhiều khó khăn, gian khổ. Nơi đầu sóng, ngọn gió, ba mẹ và các em ngày đêm bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Khó khăn nhiều như vậy nên các em thật kiên cường và hãy nỗ lực vươn lên để đạt được nhiều thành tích cao trong học tập nhé!”…
Thầy Bành Hữu Tình cho hay, cứ mỗi lần có tàu ra đảo, Trường lại nhận được những món quà chứa đựng tình cảm thân thương gửi về từ mọi miền Tổ quốc. Nhưng chú heo đất này thật đặc biệt khi được gửi từ Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Thầy sẽ sử dụng số tiền này thật ý nghĩa giúp các học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, xứng đáng với những tình cảm của các bạn trong đất liền gửi gắm.
Chia sẻ về công việc dạy học trên đảo Trường Sa, thầy Bành Hữu Tình cho biết, thầy đang phụ trách lớp học có 5 học sinh từ mẫu giáo tới lớp 3. Do đặc thù học sinh ở Trường Sa ít nên phải học ghép, một phòng học có 5 lớp. Vì vậy, khi thầy giảng bài cho học sinh lớp 3, học sinh mẫu giáo tập viết, tập tô. Thầy giáo vừa dạy học vừa làm bảo mẫu.
Song song với học chữ, học sinh Trường Sa còn được các cán bộ, chiến sỹ huấn luyện thể chất như tập thể dục nâng cao sức khỏe, tổ chức các trò chơi vận động, tham gia một số hoạt động quân sự như: chào cờ Tổ quốc trước cột mốc chủ quyền, đón khách từ đất liền ra thăm. Những câu chuyện về lòng quả cảm của chiến sỹ hải quân, tinh thần bất khuất kiên cường của ông cha vẫn được kể cho các em nghe như một môn học ngoại khóa không thể thiếu.
Rời Trường Sa, hình ảnh các em đạp xe đến trường trong nắng sớm hiện lên thật bình yên. Những giọng đọc bi bô về tên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, những câu thơ mà các học sinh đọc khi chia tay vẫn còn văng vẳng đâu đây: "Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm đảo nổi/Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la/Sinh ra ở Trường Sa/Em là con của biển..."./.