Giáo dục

Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tiếng Nhật

TP. Hồ Chí Minh

Chương trình hướng đến mục tiêu phục vụ tốt thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường trọng điểm truyền thống của du lịch Việt Nam cũng như du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Thỏa thuận tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao ngoại ngữ tiếng Nhật. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

(TTXVN) Ngày 9/1, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao ngoại ngữ tiếng Nhật.

Đây là chương trình hướng đến mục tiêu phục vụ tốt thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường trọng điểm truyền thống của du lịch Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Theo thỏa thuận hợp tác, Sở Du lịch phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trang bị, bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Nhật cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch trên địa bàn Thành phố; các nhân viên, người lao động công tác trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn và đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch...

Với vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra các giải pháp chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo, thành lập thêm các khoa nghiệp vụ du lịch và chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với đó, ngành Du lịch Thành phố đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực gần kề như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung Bộ; đồng thời vận động doanh nghiệp thực hiện đa dạng chính sách ưu đãi thu hút nguồn lao động; đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân lực tại đơn vị.

Thống kê, tổng số lực lượng hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ tính đến hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 7.340, trong đó có 4.360 hướng dẫn viên quốc tế và 2.980 hướng dẫn viên nội địa. Tuy nhiên, số lượng hướng dẫn viên sử dụng các ngoại ngữ hiếm như Hàn, Nhật, Đức, Tây Ban Nha...rất ít, chỉ chiếm khoảng 13% so với tổng số ngoại ngữ; cụ thể ngoại ngữ Hàn và Nhật lần lượt là 0,06% và 0,39%.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, một trong những thách thức lớn đối với ngành Du lịch hiện nay là nhanh chóng kiện toàn nguồn nhân lực cho giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19. Thách thức này không chỉ đối với Việt Nam mà tất cả các nước trong khu vực, trên thế giới đều đang phải đối diện.

Trên cơ sở xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các ngoại ngữ đang thiếu như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Thái, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức…/.

Mỹ Phương

Xem thêm