Giáo dục

Tiến tới đào tạo 50 nghìn kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn vào năm 2030

Bình Dương

Chương trình đào tạo được triển khai bởi Trường Đại học Thủ Dầu Một và Trung tâm Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Ban Giám hiệu Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện nghi thức khai giảng khóa đào tạo. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN) 

TTXVN - Ngày 8/1, tại Lễ khai giảng "Khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên" diễn ra tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, tỉnh đặt ra mục tiêu tập trung đào tạo 50 nghìn kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn vào năm 2030 phục vụ cho tỉnh và cả nước.

Chương trình đào tạo này được triển khai bởi Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) phối hợp với đối tác giáo dục SUN EDU - Trung tâm Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. "Khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên" đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh, Bình Dương cùng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tích cực đóng góp vào mục tiêu quốc gia đào tạo hàng chục ngàn kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn vào năm 2030. Ông kỳ vọng sự hợp tác của các trường đại học và cao đẳng trong khu vực để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Thủ phủ công nghiệp Bình Dương đang tự cải tiến và chuyển đổi từ công nghệ cũ sang công nghệ mới, trong đó, đặc biệt quan tâm đến ngành công nghiệp bán dẫn.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đề nghị Trường Đại học Thủ Dầu Một đóng vai trò chủ lực trong liên kết, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chương trình đào tạo đặc biệt này không chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp mà còn hướng đến việc chuyển giao kiến thức, tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên có thể áp dụng ngay vào thực tế công việc. Trong tương lai gần, Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp với đối tác giáo dục quốc tế và các trường đại học để khởi động thêm các khóa đào tạo thiết kế vi mạch, góp phần xây dựng nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, tạo thêm động lực cho thu hút đầu tư công nghệ cao.

Theo đó, tỉnh dành 250 ha để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, tiến tới trở thành vùng lõi của nghiên cứu phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn phục vụ cho chuyển đổi nền công nghiệp thế hệ mới./.

Dương Chí Tưởng

Xem thêm