Hoạt động “Kể chuyện di sản qua tranh” không chỉ góp phần làm sống động hơn di sản mà còn lan tỏa, bồi đắp tình yêu lịch sử, trách nhiệm của thế hệ tương lai.
TTXVN - Tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm tới việc cho thế hệ trẻ tiếp cận di sản bằng nhiều hình thức. Nổi bật là hoạt động “Kể chuyện di sản qua tranh”. Niềm say mê và sự sáng tạo, tình yêu với di sản được các bạn trẻ thể hiện một cách trong sáng, bình dị qua từng nét vẽ. Hoạt động này không chỉ góp phần làm sống động hơn di sản mà còn lan tỏa, bồi đắp tình yêu lịch sử, trách nhiệm của thế hệ tương lai.
Lên ý tưởng, vẽ tranh lấy biểu tượng Tràng An làm chính, có ngôi chùa, mái ngói cong cong, xung quanh là núi bao phủ, bên dưới là dòng sông, người lái đò, em Trần Thị Ngọc Ánh (Trường Trung học Cơ sở Đông Hải, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn) hoàn thành bức tranh “Di sản Tràng An” trong vòng một tháng. Qua bức tranh, em muốn giới thiệu hình ảnh con người cũng như cảnh quan thiên nhiên của tỉnh Ninh Bình đến với du khách.
Em Trần Thị Ngọc Ánh chia sẻ, em đã đi tham quan nhiều nơi nhưng ấn tượng nhất là Quần thể danh thắng Tràng An với hình ảnh non nước hữu tình. Thông qua bức tranh của mình, em mong muốn mọi người cùng chung tay bảo vệ, quảng bá di sản.
Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam, được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Đây là nơi có cảnh quan tháp karst đẹp và quyến rũ bậc nhất thế giới. Vẻ hài hòa của những dãy núi trùng điệp, sông nước mênh mông, rừng cây xanh mát và các hang động xuyên thủy tạo nên một thế giới tự nhiên sống động.
Với mong muốn mỗi học sinh là một đại sứ của Di sản Tràng An, đưa thông điệp về Tràng An đến với khách du lịch trong nước và quốc tế, Văn phòng UNESCO Hà Nội phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Cuộc thi “Kể chuyện di sản qua tranh” cho học sinh bậc học Tiểu học và Trung học Cơ sở tại tỉnh Ninh Bình.
Cuộc thi là hoạt động ý nghĩa, thu hút hơn 1.000 tác phẩm của học sinh đến từ các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Các tác phẩm sau đó được triển lãm và chuyển thành định dạng bưu thiếp tô màu, sản phẩm lưu niệm du lịch Tràng An. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ thúc đẩy du lịch bền vững vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình Đinh Quốc Trường khẳng định, cuộc thi không chỉ nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản nhằm phát triển bền vững mà còn khuyến khích sự tham gia của tầng lớp thanh, thiếu nhi vào hoạt động nghệ thuật, thể hiện sự hiểu biết theo những cách khác nhau nhưng chứa đựng, gửi gắm nhiều thông điệp, ước mơ của các em. Qua đó cho thấy, Ninh Bình luôn quan tâm đưa hoạt động bảo tồn, giáo dục, phục hồi và quảng bá các giá trị di sản đến với thế hệ trẻ.
Cuộc thi không chỉ hướng tới khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản mà còn góp phần nâng cao nhận thức của khách du lịch tới thăm các khu di sản thế giới tại Việt Nam. Nhiều bạn trẻ không những có nhận thức tốt về giá trị và vẻ đẹp của khu di sản mà còn thể hiện tinh thần bảo vệ khu di sản đó thông qua việc giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh.
Giáo dục di sản trong trường học đóng vai trò quan trọng, giúp học sinh hiểu rõ vai trò của văn hóa đối với xã hội, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, nâng cao lòng tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng. Những câu chuyện kể về di sản qua tranh của học sinh Ninh Bình không chỉ lan tỏa đến cộng đồng trong nước mà còn được chia sẻ với bạn bè quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO Hà Nội nhấn mạnh, thời gian tới, Văn phòng UNESCO Hà Nội tiếp tục duy trì hoạt động tương tự với định hướng mở ra sân chơi thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thế hệ trẻ, cùng với đó là đẩy mạnh việc sử dụng tác phẩm sáng tạo của học sinh... Đặc biệt là sản phẩm có tính dấu ấn để in ấn, sử dụng trên nhiều chất liệu, ấn phẩm, tạo nên sản phẩm du lịch đa dạng, góp phần bảo tồn, quảng bá di sản.
Nhằm phát huy thế mạnh của di sản và ý thức bảo tồn di sản trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã chỉ đạo xây dựng bộ tài liệu giáo dục địa phương nhằm giáo dục học sinh hiểu biết về di sản, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn di sản cụ thể trong từng cấp học, phổ biến Luật Di sản văn hóa, tổ chức buổi ngoại khóa, chuyên đề về nhận thức, trách nhiệm của học sinh trong bảo tồn di sản. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh di sản Ninh Bình đến du khách trong nước và quốc tế để trẻ em hôm nay sẽ trở thành người bảo vệ di sản cho tương lai./.