Bảo vệ rừng giáp ranh là trách nhiệm chung của các địa phương liên quan. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp là chìa khóa để giải quyết bài toán nan giải này.
Nhiều năm qua, vấn nạn phá rừng tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các địa phương trong việc xác định ranh giới và truy bắt đối tượng vi phạm. Điều này mở ra cơ hội thuận lợi cho các đối tượng “lâm tặc” lợi dụng địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn ngang nhiên xâm nhập khai thác lâm sản trái phép, khiến nhiều diện tích rừng bị thu hẹp dần.
Điển hình là vụ chặt hạ hơn 3,5 ha rừng tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Ia Piơr của huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) và xã Ia Jlơi của huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) được phát hiện vào tháng 4/2024. Do việc xác định ranh giới và trách nhiệm quản lý giữa hai địa phương gặp bế tắc vì có dấu hiệu chồng lấn, khiến việc xử lý vi phạm lâm luật trở nên khó khăn.
Cụ thể, thông qua đối chiếu hệ thống bản đồ và hồ sơ quản lý của 2 tỉnh, xác định huyện Chư Prông chỉ có 0,42ha là ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, còn lại 3,14ha không thuộc địa giới hành chính của tỉnh Gia Lai. Trong khi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk lại cho rằng toàn bộ diện tích hơn 3,5ha đất rừng nói trên không thuộc địa phương này quản lý. Từ đây có thể thấy rằng việc không xác định được cụ thể ranh giới hành chính để quản lý và truy bắt đối tượng vi phạm chính là nguyên nhân để vụ việc xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tại những khu vực nói trên do thời gian trước đây việc kiểm tra và ra các quyết định giữa các địa phương không trùng nhau nên có những khu vực rừng giáp ranh chồng lấn lên nhau hoặc không có chủ. Bên cạnh đó, việc xác định ranh giới rừng tại khu vực giáp ranh của các địa phương ngoài thực địa rất khó khăn. Do đó, “lâm tặc” thường lợi dụng “vùng xám” này có địa hình phức tạp, hiểm trở để xâm hại rừng và việc truy bắt các đối tượng vi phạm gặp nhiều trở ngại.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, việc phối hợp giữa các tỉnh trong công tác quản lý bảo vệ rừng giáp ranh còn nhiều hạn chế. Nhận thức được tính cấp bách của vấn đề, các tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh. Quy chế phối hợp giữa các tỉnh được ký kết, tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai vẫn còn nhiều bất cập. Các địa phương cần tăng cường thông tin liên lạc, trao đổi thông tin kịp thời để cùng nhau ngăn chặn hành vi vi phạm.
Rõ ràng, giải quyết triệt để vấn đề phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại khu vực giáp ranh, cần có sự chung tay của các địa phương liên quan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp, cho rằng việc phân định ranh giới rừng rõ ràng, có mốc giới cụ thể là vô cùng cấp thiết. Bên cạnh đó, các địa phương có diện tích rừng giáp ranh cần triển khai và thực hiện đầy đủ theo Chỉ thị 13, Kết luận số 61 của Ban Bí thư, Chương trình hành động số 19 của Chính phủ; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và tăng cường phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng, khuyến khích họ tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho người dân sống ven rừng cũng cần được quan tâm để họ có nguồn thu nhập thay thế, giảm thiểu nguy cơ xâm hại rừng.
Bảo vệ rừng giáp ranh là trách nhiệm chung của các địa phương liên quan. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, địa phương là chìa khóa để giải quyết bài toán nan giải này./.