Xã hội

Bảo vệ và phát triển kinh tế rừng trên cao nguyên Sìn Hồ

Lai Châu

Trong 9 tháng năm 2024, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, xã, thị trấn thực hiện 241 buổi tuyên truyền với 17.034 lượt người tham gia.

Huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có diện tích tự nhiên hơn 152.245 ha, diện tích rừng hiện có hơn 67.747 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Đối với người dân nơi đây, rừng đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái, duy trì sự đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước và hạn chế thiên tai. Hơn nữa, rừng còn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất gỗ, dược liệu, tạo việc làm cho nhiều lao động và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Người dân các bản thường xuyên tuần tra, tổ chức phát quang thực bì, phát đường băng cản lửa nhằm hạn chế tối đa về lây lan nếu xảy ra cháy rừng. 
Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

* Tăng cường bảo vệ rừng

Những năm gần đây, bảo vệ và phát triển rừng được huyện Sìn Hồ ưu tiên hàng đầu, gắn liền với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hiện huyện Sìn Hồ đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và khai thác rừng trái phép. Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, giám sát các khu vực rừng đầu nguồn, khu vực có nguy cơ bị xâm phạm cao.

Triển khai kế hoạch hàng năm, huyện Sìn Hồ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh và huyện trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tới nhân dân trên địa bàn. Trong 9 tháng năm 2024, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, xã, thị trấn thực hiện 241 buổi tuyên truyền với 17.034 lượt người tham gia.

Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ Trần Văn Sứng cho biết, huyện tăng cường tuyên truyền thông qua các hình thức như tuyên truyền miệng, trực tiếp, tờ rơi nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân về giá trị, nguồn lợi của rừng mang lại. UBND huyện chỉ đạo lực lượng kiểm lâm của huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền gắn với tổ chức cho người dân ký cam kết về quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, nhận thức về việc trồng, bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng được nâng lên.

Cùng với đó, phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Mặc dù vậy, do thời tiết nắng nóng kéo dài, địa hình phức tạp, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện vẫn xảy ra 8 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại hơn 30 ha, (mức thiệt hại 50% có khả năng phục hồi) và 40 vụ cháy thảm thực vật.

Lực lượng Kiểm lâm địa bàn phối hợp với người dân các bản thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng.
Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Một trong những thách thức lớn nhất là nạn khai thác rừng trái phép, chặt phá rừng lấy đất canh tác. Từ đầu năm đến nay, huyện Sìn Hồ đã xử lý 2 vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng (1 vụ hủy hoại rừng; 1 vụ vi phạm quy định về khai thác lâm sản; khởi tố 3 bị can, tạm giữ hơn 12m3 gỗ các loại, 1 máy cưa xăng, 3 xe máy và một số công cụ khác); 16 vụ vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách Nhà nước 20 triệu đồng...

Ông Trần Công Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ khẳng định, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động hơn nữa trong quản lý, bảo vệ rừng tại cơ sở. Cùng với đó, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng.

* Tạo sinh kế cho người dân

Theo Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ Trần Văn Sứng, cùng với việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, huyện Sìn Hồ thực hiện tốt việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng giúp người dân tăng thêm thu nhập, tạo thuận lợi cho bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Riêng trong năm 2013, kinh phí chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân trên địa bàn huyện là 31 tỷ đồng. Những hộ dân được hưởng lợi từ rừng đã tích cực hưởng ứng các phong trào trồng rừng, chủ động tham gia phòng, chống cháy rừng.

Sà Dề Phìn là xã vùng cao của huyện Sìn Hồ, gồm 4 bản với 433 hộ/2.158 khẩu. Diện tích tự nhiên hơn 6.304 ha, tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt 33,86%. Đối với người dân trên địa bàn xã, thu nhập từ tiền dịch vụ môi trường rừng tạo động lực để họ ngày càng có ý thức cao trong bảo vệ rừng.

Người dân các bản phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm địa bàn phát quang thực bì nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng.
Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn Giàng A Tùng cho hay, địa phương phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện thực hiện đúng, đủ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hơn 400 hộ dân với số tiền khoảng 2 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, tạo động lực để bà con gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

Để tạo sinh kế cho người dân, huyện Sìn Hồ còn đẩy mạnh phát triển kinh tế từ rừng. Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi đất nương, đồi sang trồng các loại cây lâm nghiệp có giá trị như quế, gỗ lớn và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Song song với đó, huyện vận động nhân dân chăm sóc rừng trồng mới và nghiệm thu chăm sóc lần 1 rừng trồng với tổng diện tích 315,76 ha; trồng mới 150 ha rừng kinh tế, 50 ha rừng phòng hộ và 120 ha cây gỗ lớn.

Anh Vừ Gió Sinh (bản Lao Lử Đề, xã Tả Ngảo) cho biết, gia đình anh ngoài thu nhập chính từ cấy lúa, trồng ngô còn nhận chăm sóc và bảo vệ 5 ha rừng. Từ rừng, gia đình anh còn khai thác được cây mây, loài dây leo trong rừng để làm các sản phẩm gia dụng và tận dụng trồng hơn 1 ha thảo quả dưới tán rừng. Nhờ đó, mỗi năm gia đình anh có thêm khoản thu nhập hàng chục triệu đồng từ rừng.

Có thế thấy rằng, phát triển và bảo vệ rừng tại huyện Sìn Hồ không chỉ đơn thuần là bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá mà còn là bảo vệ sinh kế và môi trường cho địa phương. Những nỗ lực của chính quyền và người dân Sìn Hồ đang dần hình thành hành lang bảo vệ rừng bền vững, góp phần phát triển kinh tế, duy trì hệ sinh thái tự nhiên trước tình trạng biến đổi khí hậu./.

Việt Dũng

Tin liên quan

Xem thêm