Nữ công nhân viên chức lao động trong tỉnh Lạng Sơn, trong đó có phụ nữ dân tộc đã nỗ lực, sáng tạo, không ngừng nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát triển, nâng cao vai trò của phụ nữ trong giai đoạn mới; đồng thời phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới... là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Gặp mặt, nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024”, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên Đoàn Lao động tỉnh Lạng Sơn tổ chức ngày 16/10.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Văn Giang cho biết, là tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 83% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là dân tộc Nùng, Tày, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông... Hội viên phụ nữ chiếm trên 60% tổng số cán bộ viên chức lao động toàn tỉnh.
Thời gian qua, nữ công nhân viên chức lao động trong tỉnh đã nỗ lực, sáng tạo, không ngừng nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề. Thông qua các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong xã hội và gia đình. Nhiều chị em đã vươn lên tự khẳng định mình ở mọi vị trí công tác, được tín nhiệm giao trọng trách lãnh đạo quản lý trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể...
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên - Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Lạng Sơn thẳng thắn chỉ ra rằng, tư tưởng định kiến về giới còn tồn tại trong xã hội. Nhiều người vẫn mặc định công việc nhà, chăm sóc con, người già... là của phụ nữ nên phụ nữ ít có thời gian dành cho bản thân. Không ít phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa nỗ lực phấn đấu vươn lên. Đặc biệt, trong một số gia đình vẫn còn tình trạng bạo lực trên cơ sở giới mà đối tượng chịu tác động chính là phụ nữ.
Công tác quy hoạch, đào tạo, tạo nguồn cán bộ kế cận và đề bạt cán bộ nữ có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Việc tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý vào các hoạt động trong hệ thống chính trị ở cơ sở còn ít. Tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ở các cấp còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng và sự đóng góp của phụ nữ. Trên nhiều khu vực kinh tế, ngành nghề, nhìn chung phụ nữ còn chịu nhiều thiệt thòi; đời sống của một bộ phận phụ nữ còn vất vả, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Sự phối hợp giữa các ngành, cấp trong việc thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa đồng bộ. Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở hầu hết đều kiêm nhiệm. Đó là một trong những thách thức không nhỏ trong quá trình phối hợp triển khai công tác quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ của tỉnh Lạng Sơn thời gian qua...
Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”; đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới.
Các cấp ủy, chính quyền cần thực hiện tốt việc quán triệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác bình đẳng giới; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức và hoạt động sát với tình hình thực tế của địa phương; quan tâm hơn nữa đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ, đặc biệt cán bộ tại cơ sở.
UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng quy trình quy hoạch với tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi đối với từng chức danh, đặc biệt là với cán bộ nữ, phấn đấu cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý đảm bảo từ 25% trở lên./.
- Từ khóa:
- Lạng Sơn
- phụ nữ
- dân tộc thiểu số
- phát triển