Thành phố Hồ Chí Minh: Tạo chuyển biến trong công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm
Nhiều câu hỏi được các đại biểu Hội đồng nhân quan tâm như: Công tác đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy ở các trường nghề công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục; chính sách dành cho học sinh, sinh viên, giáo viên...
Chiều 15/10, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giám sát Công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2025.
Tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng các thành viên đã nêu nhiều câu hỏi với các cơ quan quản lý nhà nước về tình hình lao động, việc làm, công tác dự báo nguồn nhân lực, giới thiệu việc làm; công tác đào tạo lại, về nhân lực chất lượng cao theo xu hướng phát triển của đất nước, định hướng các ngành kinh tế trọng điểm của Thành phố.
Nhiều câu hỏi được các đại biểu Hội đồng nhân quan tâm như: Công tác đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy ở các trường nghề công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục; chính sách dành cho học sinh, sinh viên, giáo viên, trường lớp; hiệu quả của việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong thực hiện đào tạo kép; các hoạt động phân luồng học sinh, công tác tuyển sinh sau lớp 9.
Liên quan đến đào tạo nghề, bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố cần chọn lọc, đầu tư đối với những ngành nghề mũi nhọn hoặc chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, cần có giải pháp để mỗi người, mỗi gia đình hiểu hơn về giá trị của các trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành nghề xã hội đang có nhu cầu; chú trọng nhiều hơn đối với công tác phân luồng học sinh, tạo điều kiện để các em chọn lựa nghề tốt nhất…
Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh nêu băn khoăn trước tình hình hơn 16.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội gần 3.000 tỷ đồng của 75.200 công nhân lao động. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, do đó, rất cần các cơ quan chức năng có giải pháp để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Bà Lê Thị Kim Thúy cũng đề cập đến tình trạng chuyển dịch lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh, thành khác, đặc biệt là từ sau khi xảy ra dịch COVID-19; cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần có những chính sách đặc thù để giữ chân người lao động ở lại Thành phố làm việc, đề phòng tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển chung của Thành phố.
Cũng tại buổi giám sát, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề: Chất lượng đào tạo nghề công- tư, vấn đề giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tình trạng lừa đảo giới thiệu việc làm, xu hướng chọn việc nhẹ lương cao; an sinh xã hội của người dân sau thu hồi đất, tình trạng già hóa dân số, chính sách đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Giải đáp những vấn đề được đại biểu Hội đồng nhân dân đặt ra, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có báo cáo chi tiết, trong đó có những nội dung cụ thể đối với công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2025 nêu rõ, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đến nay đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc.
Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cùng hệ thống các trường đại học đã tổ chức triển khai nhiều đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở các ngành: Công nghệ thông tin - Truyền thông; Cơ khí - Tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị…
Giai đoạn 2020 - 2025, Thành phố tạo việc làm mới cho 700.000 lao động (bình quân 140.000 lao động/năm), tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; thường xuyên kiểm tra, kiểm định, xử lý, thu hồi giấy phép các đơn vị không đảm bảo yêu cầu, điều kiện đào tạo; tăng cường các giải pháp chính sách cho lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khi học nghề; đào tạo nghề nông thôn, dạy nghề cho các trường hợp thuộc diện chính sách, người lao động mất việc làm.
Trước những vướng mắc phát sinh, UBND Thành phố cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh những vấn đề liên quan để thực hiện tốt, có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn mới và những năm tiếp theo…/.