Sức khỏe

Nhiều người có nhu cầu ghép giác mạc nhưng nguồn hiến tặng còn khan hiếm

Ghép giác mạc hiện là phương pháp duy nhất và hiệu quả nhất giúp bệnh nhân bị tổn thương giác mạc có cơ hội phục hồi thị lực, đặc biệt là trong những trường hợp điều trị nội khoa không còn mang lại kết quả.

Quang cảnh tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm thu nhận, điều phối giác mạc giữa Việt Nam và Singapore"
Ảnh: Trần Minh

Tại buổi tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm thu nhận, điều phối giác mạc giữa Việt Nam và Singapore" do Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức ngày 15/10 ở Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, chỉ trong 8 tháng, Bệnh viện đã thu nhận 57 giác mạc từ nhiều nguồn hiến. Trong đó, thu nhận 2 ca hiến tặng trong nước, còn lại là giác mạc hiến tặng từ các ngân hàng Mắt của Mỹ.

Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã thực hiện thành công 42 ca ghép giác mạc, mang lại ánh sáng cho nhiều người bệnh mù lòa. Số giác mạc còn lại được điều phối sang các bệnh viện khác...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 chia sẻ tại hội thảo
Ảnh: Trần Minh

Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, hiện trình độ ghép tạng của Việt Nam đã đạt ngang tầm khu vực và thế giới, nhưng tỷ lệ người đăng ký hiến tạng sau chết não thấp, trong khi đó, danh sách chờ ghép tạng tại các bệnh viện ngày càng tăng.

Trong giai đoạn 2007-2023, cả nước có 45.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, số người mù vì bệnh lý giác mạc đang rất lớn, khoảng hơn 30.000 người, nhưng con số ghép được rất ít ỏi. Trong số bệnh nhân chờ ghép giác mạc, nhiều nhất là ở độ tuổi 30-60, có cả trẻ em.

Từ tháng 5/2024 đến nay, số lượng ca hiến tạng từ người chết não tăng gấp 3 lần, các ca ghép tạng trong đó có ghép hiến giác mạc tăng 10% so với thời điểm trước. Với ghép giác mạc còn một số khó khăn bởi Việt Nam hiện chỉ có 2 cơ sở y tế có khả năng thu, ghép giác mạc trên cả nước; bên cạnh đó số lượng giác mạc hiến còn quá ít. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Ảnh: Trần Minh

Ngoài nguồn hiến trong nước, Việt Nam được tặng nguồn giác mạc từ nước ngoài. Tuy nhiên, thủ tục hải quan và bảo quản giác mạc còn khó khăn bởi giác mạc không phải bệnh phẩm, không phải thiết bị y tế, hay mẫu vi sinh vật, mà giác mạc là mô cần bảo quản sống. Vì vậy, các cơ quan chức năng, các cơ sở thu, ghép giác mạc cần có kiến nghị chính thức tới Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan cần tạo điều kiện về thủ tục để chuyển nguồn giác mạc từ nước ngoài về Việt Nam ghép cho người bệnh được sớm nhất, Chủ tịch Hội vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho biết, ghép giác mạc hiện là phương pháp duy nhất và hiệu quả nhất giúp bệnh nhân bị tổn thương giác mạc có cơ hội phục hồi thị lực, đặc biệt là trong những trường hợp điều trị nội khoa không còn mang lại kết quả. Tuy nhiên, số lượng giác mạc hiến tặng còn hạn chế.

Tiến sĩ, bác sĩ Howard Cajucom-Uy - Phụ trách Ngân hàng Mắt Singapore, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Mắt châu Á phát biểu
Ảnh: Trần Minh

Chia sẻ những khó khăn và hạn chế về nguồn hiến giác mạc, Tiến sĩ, bác sĩ Howard Cajucom-Uy - Phụ trách Ngân hàng Mắt Singapore, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Mắt châu Á cho rằng, nhu cầu ghép giác mạc rất lớn nhưng đang gặp phải nhiều rào cản như phong tục tập quán, truyền thống và tôn giáo, tín ngưỡng văn hóa, sự thiếu hiểu biết hoặc thờ ơ về việc hiến tặng giác mạc, gia đình người hiến tặng đang trải qua giai đoạn rất khó khăn về cảm xúc, những nhận thức không đúng về luật pháp liên quan đến hiến tạng... “Trong khi hiến tặng giác mạc không yêu cầu về không gian, việc thu nhận giác mạc có thể diễn ra ở bất cứ đâu, không ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ, việc thu nhận giác mạc không lấy đi toàn bộ nhãn cầu của người hiến tặng mà chỉ lấy 1 lớp màng mỏng giác mạc phía trước...”, Tiến sĩ, bác sĩ Howard Cajucom-Uy cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng, chính những hạn chế này đã làm giảm số lượng giác mạc được hiến tặng không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. “Do đó, hoạt động tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa. Cần có hành lang pháp lý phù hợp với thực tại, cần đưa tiêu chí về hoạt động hiến ghép, mô tạng vào tiêu chí đánh giá của ngành Y tế”, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc đề xuất.

Ca ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2
Ảnh: BVCC

Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, từ năm 2010 - 2020, mỗi năm nước ta có 10-11 ca chết não hiến tạng. Riêng năm 2023, có 14 ca chết não hiến tạng. Tuy nhiên, 9 tháng năm 2024, có 25 ca chết não hiến mô, tạng, góp phần tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/892 bệnh nhân ghép (tương đương 10,49%). Đây được coi là con số kỷ lục của Việt Nam vì trước đây tỷ lệ hiến tạng từ người chết não chỉ chiếm khoảng 5-6%.

Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng. Ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp. Hiện, nước ta đã thực hiện thành công ghép hầu hết các tạng như các nước phát triển đã thực hiện, gồm: Ghép thận, gan, tim, phổi, tuỵ, ruột, khí quản, chi thể…

Năm 2023, Việt Nam ghép tạng cho 1.000 người, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, danh sách chờ ghép tạng vẫn còn dài, hằng ngày vẫn có nhiều người bệnh qua đời vì không có tạng ghép./.

Bích Thủy

Xem thêm