Nhiều hội viên phụ nữ tại tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực vượt khó, làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống, trở thành tấm gương cho các chị em học tập, noi theo.
Hưởng ứng phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều hội viên phụ nữ đã nỗ lực vượt khó, làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống, trở thành tấm gương cho các chị em học tập, noi theo.
* Trăn trở tìm giải pháp làm giàu
Chị Đinh Thị Thả (sinh năm 1991), người dân tộc Hrê, tại thôn Trung Thượng, xã Long Mai, huyện Minh Long là một trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào vượt khó, làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp.
Theo chị Thả, sau khi lập gia đình, cuộc sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn do không có việc làm, không có chỗ ở và thiếu vốn. “Vợ chồng có sức khỏe, có đất nhưng lại không có vốn, không có kiến thức nên để trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả là điều không dễ. Tôi đã nhiều lần bàn với chồng mượn sổ đỏ của cha mẹ để thế chấp vay vốn làm ăn nhưng lại sợ thất bại thì vừa mang nợ, vừa mất luôn chỗ ở”, chị Thả chia sẻ.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở tìm giải pháp phát triển kinh tế, chị Thả đã quyết định bắt đầu từ mô hình nhỏ như chăn nuôi lợn. Để có kiến thức, chị đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do địa phương tổ chức. Chị Thả cho hay, ban đầu do chưa có kinh nghiệm, chưa có vốn nên chị chỉ dám mua 3 con lợn giống để nuôi thử. Sau lứa thứ nhất thành công, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Long để tăng đàn lợn và mở rộng diện tích trồng keo, trồng chè xanh. “Nhờ có vốn ưu đãi nên vợ chồng tôi đã xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, thuê đất rừng để trồng keo, chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, gia đình tôi đã có mô hình chăn nuôi với hàng chục con lợn, bò và nhiều hecta keo, chè xanh”, chị Thả vui mừng nói.
Kinh tế gia đình khấm khá hơn, chị Thả xây được ngôi nhà kiên cố, có điều kiện để chăm lo cho các con học hành. Ngoài ra, chị Thả còn động viên, giúp đỡ các chị em khác tại địa phương vươn lên trong cuộc sống, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chị Đinh Thị Thức, thôn Trung Thượng, xã Long Mai cho hay trước đây gia đình chị rất khó khăn, chồng chị đau yếu nên chị phải đi làm thuê khắp nơi để lo cho cả gia đình. Từ ngày được chị Thả hỗ trợ lợn con, hướng dẫn cách chăm sóc và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ gà giống, đến nay cuộc sống gia đình chị đã vơi bớt khó khăn.
Nhận xét về chị Đinh Thị Thả, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Mai Đinh Thị Hiêm cho hay: Chị Thả là một phụ nữ chịu khó, biết cố gắng học hỏi, vươn lên làm giàu. Chị còn tích cực giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Trong các phong trào của Hội Phụ nữ xã, chị Thả luôn năng nổ, nhiệt tình tham gia.
* Cơ duyên đến với mô hình lập nghiệp
Còn chị Lê Thị Thùy Trinh (sinh năm 1983) ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức lại chọn mô hình nuôi gà ác để lập nghiệp. Chia sẻ về cơ duyên đến với mô hình này, chị Trinh cho biết, dù tốt nghiệp Đại học nhưng chị lại không tìm được việc làm đúng chuyên ngành nên phải làm công nhân. Thu nhập không cao cộng thêm tư tưởng muốn tìm một công việc phù hợp với học vấn đã làm cho bản thân chị luôn bị áp lực. Sau thời gian suy nghĩ, năm 2017, vợ chồng chị Trinh quyết định về quê lập nghiệp.
“Qua tìm hiểu, tôi thấy gà ác, trứng gà ác có nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, nhưng mô hình chăn nuôi này tại địa phương chưa phát triển mạnh. Do vậy, tôi đã bàn với chồng về quê vay 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 500 con gà ác để nuôi theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm về cách chăm sóc, phòng bệnh, nên gà thường xuyên mắc bệnh, chết, khiến vợ chồng tôi lo lắng, suy sụp vì gánh nặng nợ nần”, chị Trinh nói.
Sau thất bại ban đầu, dù có chán nản nhưng chị Trinh không từ bỏ mà tiếp tục tìm hiểu, thay đổi cách chăn nuôi gà theo hướng sinh học. Với mô hình này, toàn bộ nguồn thức ăn là hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, ngô, cá xay...; chuồng trại được lắp đặt hệ thống phun nước làm mát tự động, có đệm lót sinh học để thu gom phân. Nhờ đó, gà ít khi bị bệnh, khỏe mạnh, đẻ đều. Đến năm nay gia đình chị đã thành lập thương hiệu trứng gà ác Nam Trinh và sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Mô hình của chị hiện có 4.000 con gà ác đẻ trứng, bình quân mỗi ngày thu khoảng 1.500 trứng. Với giá từ 4-5 nghìn đồng/quả, gia đình chị thu về khoảng 7 triệu/ngày và đang tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương.
“Hiện trứng gà ác không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn được người tiêu dùng tại nhiều địa phương khác lựa chọn. Do vậy, gia đình tôi đang tiếp tục mở rộng chuồng trại, tăng số lượng đàn gà để tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, vợ chồng tôi luôn hỗ trợ nhiệt tình cho những chị em muốn lập nghiệp với mô hình chăn nuôi này, cũng như hỗ trợ nguồn vốn không lãi suất cho một số chị em có hoàn cảnh khó khăn”, chị Trinh cho hay.
Cùng với chị Đinh Thị Thả, Lê Thị Thùy Trinh, tại Quảng Ngãi còn rất nhiều chị em khác cũng đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Để tạo điều kiện cho các chị em, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tăng cường hỗ trợ để kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi đến với các hội viên. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi Lê Na cho biết: Chị Thả, chị Trinh là điển hình phụ nữ dám nghĩ, dám làm, biết vươn lên làm giàu chính đáng để các chị em phụ nữ học tập và noi theo. Dù mỗi người có cách làm kinh tế khác nhau, nhưng tất cả đều chung một ý chí là vươn lên làm giàu chính đáng, bằng bàn tay, khối óc của mình. Các chị đều đã nhận được giấy khen và bằng khen của các cấp Hội, chính quyền.
“Thời gian tới, Hội Phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức cụ thể và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế địa phương”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Ngãi Lê Na nhấn mạnh./.
- Từ khóa:
- phụ nữ
- làm giàu
- dân tộc
- thiểu số
- Quảng Ngãi