An sinh

Mô hình hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên vùng đất đồi

Quảng Bình

Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông Diệm đã xuất bán 3 đợt với tổng khối lượng trên 15 tấn quả mít ruột đỏ chất lượng cao; mỗi quả có trọng lượng từ 8 - 12 kg. Giá các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam đặt mua tại vườn là 20 ngàn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Diệm (bên phải) huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã có thu nhập cao từ mô hình trồng cây mít ruột đỏ trên vùng gò đồi.
Ảnh: Tá Chuyên- TTXVN

Nhờ việc thay đổi tư canh tác, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Nguyễn Văn Diệm (tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã có thu nhập cao từ mô hình trồng cây mít ruột đỏ trên vùng gò đồi.

* Mạnh dạn chuyển đổi

Đến thăm trang trại của ông Nguyễn Văn Diệm, mọi người đều bất ngờ trước những cây mít ruột đỏ trĩu quả được trồng trên vùng đất đồi. Trước đây, trên diện tích 4 ha này, gia đình ông Diệm trồng cao su, tuy nhiên giá mủ cao su xuống thấp. Từ năm 2020, biết đến cây mít ruột đỏ có giá trị kinh tế cao, ông đã học hỏi kinh nghiệm canh tác rồi mua giống về trồng.

Ông Diệm chia sẻ, đây là giống cây khá mới trồng trên vùng đất đồi nên những ngày đầu, ông cũng gặp nhiều khó khăn. Khi cây mít bén rễ, ông phải đến các trang trại thu mua phân gà về ủ cùng với đạm cá được chế từ các loại phụ phẩm cá biển theo tỷ lệ thích hợp để bón cho cây. Ông tuân thủ nghiêm ngặt việc không sử dụng các chất kích thích ra hoa, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng các chế phẩm sinh học để phun phòng ngừa sâu bệnh.

Sau gần 3 năm, hơn 1.700 cây mít đã đồng loạt cho lứa quả đầu tiên và được người tiêu dùng hào hứng đón nhận bởi hương vị thơm ngon, múi mít màu đỏ bắt mắt. Ông Diệm rất phấn khởi khi nhiều thương lái từ các tỉnh phía Nam đến thu mua tận vườn với giá cao.

Khi quả mít trên cây lớn khoảng 1 kg, ông Diệm dùng túi lưới bao lại để hạn chế sự xâm nhập của côn trùng.
Ảnh: Tá Chuyên- TTXVN

Theo ông Diệm, xung quanh vườn mít, gia đình cũng đã đầu tư hệ thống ống nhựa dẫn nước tưới đến từng gốc cây. Khi quả mít trên cây lớn khoảng 1 kg, ông dùng túi lưới bao lại để hạn chế sự xâm nhập của côn trùng, đồng thời để trái mít khi thu hoạch có chất lượng, mẫu mã đẹp hơn.

Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông Diệm đã xuất bán 3 đợt với tổng khối lượng trên 15 tấn quả mít ruột đỏ chất lượng cao; mỗi quả có trọng lượng từ 8 - 12 kg. Giá các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam đặt mua tại vườn là 20 ngàn đồng/kg. Mỗi ha cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

“Hiện, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích vườn mít ruột đỏ. Những cây mít được trồng năm 2023 đang độ phát triển tốt và khoảng 2 năm nữa sẽ cho trái. Cây mít ruột đỏ phù hợp với đất đai và khí hậu ở đây nên phát triển rất nhanh. Gia đình phải thường xuyên tỉa cành, cắt ngọn để đảm bảo cho cây phát triển đều”, ông Diệm chia sẻ thêm.

* Đa dạng các mô hình chuyển đổi

Từ nhiều năm trước, vùng đất đồi miền Tây huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vốn là “thủ phủ” cây cao su. Tuy nhiên, sau những thất bát của cây lấy mủ này, người nông dân đang dần thay đổi tư duy, tìm hướng đi mới để cơ cấu lại cây trồng hiệu quả, bền vững hơn.

Hiện phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đồi ở thị trấn Nông trường Việt Trung đang diễn ra khá phổ biến với nhiều loại cây ăn quả khác nhau. Ngoài gia đình ông Nguyễn Văn Diệm, nhiều hộ dân ở đây cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những loại cây kém chất lượng, giá trị kinh tế thấp sang trồng mít khi thấy hiệu quả từ cây mít ruột đỏ mang lại.

Trên vùng đồi cạnh trang trại gia đình ông Nguyễn Văn Diệm, anh Nguyễn Văn Thành (tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) đã mạnh dạn phá bỏ cây trồng truyền thống, dành hơn 1 ha đất trồng mít ruột đỏ. Được ông Diệm chỉ dẫn kinh nghiệm, anh Thành đã canh tác không dùng phân bón vô cơ để đảm bảo chất lượng của quả mít. Anh Thành cho biết, mít ruột đỏ là cây trồng khá mới nhưng cách trồng không quá khó vì rất hợp thổ nhưỡng trên vùng đất gò đồi. Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm ổn định nếu sản phẩm đạt chất lượng đảm bảo. Hiện, diện tích mít ruột đỏ của gia đình đã ra lứa quả bói đầu tiên và bắt đầu có thu nhập. Thời gian tới, gia đình anh tiếp tục mở rộng diện tích để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bà Trần Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung cho biết, địa phương xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ VIII đã đưa ra. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang ngày càng đa dạng, chủ yếu là các loại cây ăn quả. Diện tích đã chuyển đổi mở rộng trên 179 ha. Tại địa bàn có 20 hộ trồng mít ruột đỏ với trên 32 ha; trong đó hơn 10 ha đã cho thu hoạch quả.

Theo bà Trần Thị Nguyệt, mùa mít năm nay, sản lượng mít tại thị trấn Nông trường Việt Trung ước đạt trên 80 tấn, với giá bán bình quân khoảng 20 đồng/kg. Để tạo điều kiện cho người trồng mít, địa phương đã có những định hướng cho người dân trong khâu chọn giống, trồng đúng thời vụ và chăm sóc đúng kỹ thuật.

Ngoài ra, huyện Bố Trạch đang hỗ trợ người dân chuyển đổi và canh tác nhiều loại cây trồng ăn quả theo chuẩn VietGAP, xây dựng các sản phẩm thành thương hiệu OCOP. Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung đang chú trọng kết nối, tìm kiếm đối tác, hướng đến thực hiện chuỗi liên kết nhằm mở rộng sản xuất và đảm bảo đầu ra cho các loại cây ăn quả khác sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng./.

Võ Tá Chuyên

Xem thêm