Tổ chức Công đoàn khẳng định được vai trò, vị trí, hướng đến người lao động để họ thấy rằng đây thực sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho họ.
Cấp ủy, chính quyền địa phương, sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị phối hợp với Liên đoàn Lao động chú trọng công tác vận động, tập hợp người lao động, nhất là lao động tại các doanh nghiệp tham gia tổ chức Công đoàn cơ sở... Đây là những nội dung được đưa ra ngày 27/8, tại cuộc làm việc giữa Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân làm Trưởng đoàn với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Liên đoàn Lao động tỉnh và một số sở, ngành về công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở năm 2024.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong công tác phát triển đoàn viên Công đoàn và thành lập Công đoàn cơ sở tại tỉnh Lạng Sơn những năm qua. Tuy vậy, thực tế tại Lạng Sơn cho thấy, vẫn còn 36 doanh nghiệp có trên 25 lao động trở lên chưa thành lập được Công đoàn cơ sở. Tỷ lệ thực tăng đoàn viên Công đoàn từ đầu năm 2024 đến nay còn thấp...
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, gặp gỡ, làm việc với đại diện doanh nghiệp để trao đổi, bàn bạc, thống nhất, tạo điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở - tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, giữ vai trò “cầu nối” giữa chủ sử dụng lao động và lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định...
Liên đoàn Lao động các cấp, tổ chức Công đoàn cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, gắn với lợi ích thiết thức của doanh nghiệp, người lao động. Tổ chức Công đoàn phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức nhiều hội nghị, buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao bổ ích tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên Công đoàn, người lao động. Từ đó cung cấp kiến thức, phổ biến quy định, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương liên quan đến lao động, việc làm giúp người lao động nắm vững quy định liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, tránh tình trạng ngừng việc tập thể không đúng quy định, đòi hỏi quyền lợi vô lý...
Đặc biệt, tổ chức Công đoàn cần khẳng định được vai trò, vị trí, đưa ra chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể hướng đến người lao động, vì người lao động để họ thấy rằng đây thực sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho họ, thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Cán bộ Công đoàn phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó với người lao động, nắm chắc diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người lao động để phản ánh, kiến nghị lãnh đạo doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng của người lao động...
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lạng Sơn Bế Thị Hòa thông tin, trong 7 tháng của năm 2024, Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố, Công đoàn ngành đã kết nạp mới được 1.617 đoàn viên; trong đó, 916 đoàn viên ngoài khu vực Nhà nước; thành lập mới được 8 Công đoàn cơ sở. Hoạt động của Công đoàn cơ sở phát huy, thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, góp phần phát triển doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Đoàn viên Công đoàn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ của đoàn viên…
Hiện Liên đoàn Lao động tỉnh đang quản lý 11 Liên đoàn Lao động huyện, thành phố, 3 Công đoàn ngành và 1.318 Công đoàn cơ sở. Tổng số đoàn viên Công đoàn trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh là 41.576/42.719 người...
Dịp này, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao hỗ trợ 3 triệu đồng cho một gia đình bị hư hỏng nhà ở do sạt lở đất tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn./.