An sinh

Bạc Liêu phấn đấu giảm còn 1% hộ nghèo vào cuối năm 2024

Bạc Liêu

Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo bền vững.

Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo bền vững.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của Bạc Liêu giảm còn 1,7%. Tỉnh phấn đấu giảm còn 1% vào cuối năm 2024.

Ngô là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao ở Bạc Liêu, giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống. 
Ảnh: TTXVN phát

Cùng với niềm vui của ngày Tết độc lập năm nay, gia đình chị Danh Thị Hồng Loan (ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu) rất phấn khởi khi được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trao tặng căn nhà tình thương. Gia đình chị Loan sinh sống bằng nghề trồng rẫy nhưng do ít đất sản xuất nên thu nhập thấp. Chồng chị phải đi làm thuê để nuôi sống gia đình. Nhận được nhà mới, chị Loan xúc động chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng chính quyền, các tổ chức đoàn thể, gia đình tôi đã có căn nhà mới. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, chí thú làm ăn, có điều kiện lo cho các con ăn học”.

Đây cũng là niềm vui của nhiều gia đình nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Gia đình chị Thị Bích Sơn (người Khmer, ở ấp Chòm Cao, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) thuộc diện hộ nghèo. Chồng chị quanh năm đi làm thuê kiếm tiền nuôi sống gia đình. Gia đình chị sống trong căn nhà xiêu vẹo, không có khả năng sửa chữa. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của chị Sơn, UBND xã Ninh Thạnh Lợi A quyết định xây dựng cho gia đình căn nhà tình thương. Ngoài ra, Ban công tác Mặt trận ấp và đoàn thể còn đỡ đầu và giúp đỡ gia đình chị phát triển mô hình sản xuất. Nhờ vậy, gia đình chị Sơn đã thoát nghèo, từng bước có vốn tích lũy, mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt.

Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A Phan Thanh Sung cho biết, gia đình chị Thị Bích Sơn là một trong số những hộ cuối cùng của xã thoát nghèo. Đến nay, địa phương không còn hộ nghèo trong tiêu chí. Để có được kết quả này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ninh Thanh Lợi  A là xã vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Bạc Liêu. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 30% so với tổng số hộ dân. Tuy nhiên đến đầu năm 2024, địa phương không còn hộ nghèo trong tiêu chí; chỉ còn 10 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội (chiếm 0,41%) và 50 hộ cận nghèo (chiếm 2,06%).

Không chỉ xã Ninh Thạnh Lợi A, công tác giảm nghèo tại nhiều địa phương khác của tỉnh Bạc Liêu đang được thực hiện tốt thông qua việc huy động các nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu trao tặng nhà tình thương cho gia đình chị Danh Thị Hồng Loan, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu có hoàn cảnh khó khăn. 
Ảnh: TTXVN phát

Bà Lê Thanh Giang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạc Liêu cho biết, năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu giảm hộ nghèo xuống còn 1%. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; trong đó, chú trọng lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, tỉnh tổ chức rà soát, phân loại từng nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chiều thiếu hụt như: Nhóm hộ nghèo khó khăn về nhà ở, nhóm hộ nghèo có lao động không có việc làm, có nhu cầu học nghề hoặc cần tư vấn giới thiệu việc làm, nhóm hộ nghèo không còn khả năng lao động... để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng, một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương thời gian qua là phân công các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. Để thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024, UBND tỉnh đã phân công giúp đỡ 2.273 hộ nghèo; trong đó, các sở, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp nhận đỡ đầu 227 hộ nghèo, còn lại là các huyện, thị xã, thành phố. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận giúp đỡ hộ nghèo đã phân công cán bộ khảo sát thực tế hoàn cảnh, các mức thiếu hụt của từng gia đình để có hướng hỗ trợ cụ thể, thiết thực.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Địa phương động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh việc phân công các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội giúp đỡ hộ nghèo, việc đầu tư vốn có vai trò quan trọng trong công tác giả nghèo. Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thị xã đã giải ngân cho các hộ nghèo vốn hàng trăm tỷ đồng để đầu tư mô hình sản xuất, thoát nghèo./.

Tuấn Kiệt

Xem thêm