Các vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Nhiều vấn đề đang tồn tại còn vướng mắc trên thực tế như: ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp…
TTXVN - Ngày 7/6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Khoa học và Công nghệ. Nội dung chất vấn ngày càng được đông đảo cử tri theo dõi và đặc biệt quan tâm.
Cử tri đánh giá Chủ tọa đã điều hành khoa học, linh hoạt. Nội dung câu hỏi của đại biểu Quốc hội đi thẳng vào các vấn đề mang tính trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được những yêu cầu của cử tri và nhân dân. Tuy nhiên, một số nội dung trả lời vẫn còn chưa cụ thể.
*Phát triển nền nông nghiệp công nghệ
Cử tri Huỳnh Đạt (Văn phòng Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tỉnh Phú Yên) cho rằng, các vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Nhiều vấn đề đang tồn tại còn vướng mắc trên thực tế như: ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp,…
Bộ trưởng được chất vấn đã trả lời thẳng thắn, đúng và trúng các vấn đề, thể hiện được trách nhiệm của người đứng đầu trong các lĩnh vực có liên quan, gợi mở giải pháp để tháo gỡ các bất cập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Góp ý về ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, cử tri Huỳnh Đạt cho biết Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai về việc đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất, trong đó có nội dung áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp… Các địa phương đã đưa nội dung xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao là khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang đến nhiều thành tựu cho nền kinh tế nước nhà. Tuy vậy, nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn còn đang gặp phải rất nhiều thách thức trong quá trình triển khai thực hiện về: kinh phí đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo công nhân và vấn đề tiêu thụ đầu ra của sản phẩm…
Để tháo gỡ “nút thắt” những khó khăn hạn chế nêu trên, theo cử tri Huỳnh Đạt, các bộ, ngành cần nâng cao nhận thức và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc đầu tư hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các khu, điểm, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, các bộ, ngành tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các Chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tạo sự đồng thuận trong hành động của toàn xã hội.
Các địa phương cần tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ, đẩy mạnh việc nghiên cứu, chọn, tạo các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng phát triển của từng địa phương. Cụ thể, các địa phương cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trang trại, các hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; khuyến khích nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm cho nông nghiệp phát triển với trình độ cao và bền vững.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp và Nhà nông. Đây sẽ là hướng đi bền vững và phát triển của nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam trong thời đại mới.
*Nâng cao chất lượng kết quả nghiên cứu
Đánh giá cao chất lượng của các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, cử tri Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội cho hay, những lĩnh vực và nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn tại Kỳ họp thứ 5 không chỉ thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sự đồng thuận và thống nhất cao của Quốc hội trong lựa chọn từ nhiều vấn đề quan trọng mà còn có cả những vấn đề mang tính thời sự, tính chiến lược, có tác động và ảnh hưởng lớn đến những nỗ lực của các ngành, địa phương trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Về tình hình hoạt động khoa học - công nghệ, cử tri Phạm Thị Lý cho rằng, hoạt động khoa học công nghệ giữa tỉnh, thành trong cả nước hiện chưa có sự liên kết chặt chẽ; tình trạng các công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu không được triển khai ứng dụng trong thực tiễn. Nhiều địa phương, việc xây dựng các kế hoạch hợp tác tổ chức giữa cá nhân nghiên cứu khoa học với tổ chức, cơ quan thực hiện dự án còn rời rạc, vì vậy, việc triển khai còn nhiều bất cập.
Cử tri Phạm Thị Lý kiến nghị các địa phương cần đẩy mạnh việc kết hợp giữa các cơ quan nghiên cứu với các tổ chức hội nghề nghiệp nhằm khai thác và nâng cao chất lượng kết quả nghiên cứu; gắn nghiên cứu với thực tiễn góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
Cử tri Phạm Thị Lý đề nghị tiếp tục ban hành các văn bản, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy, khuyến khích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập, thu hút các nguồn lực xã hội cho nghiên cứu và phát triển./.