Quốc hội với Cử tri

Tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Sáng 7/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề lĩnh vực Dân tộc thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và giải trình làm rõ thêm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có phát biểu kết luận nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc.

Nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với đặc thù là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định và nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, luôn là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.

Tại phiên chất vấn chiều 6/6/ và sáng 7/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực dân tộc thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

62 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, trong đó có 35 đại biểu tham gia chất vấn, gồm 28 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 7 đại biểu tham gia tranh luận. 27 đại biểu đăng ký nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu gửi chất vấn để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản. Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp khi nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, nhìn chung phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và mang tính xây dựng cao. Câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, mặc dù lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng đã rất bình tĩnh, tự tin, chuẩn bị tốt nội dung, cơ bản nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ, đồng thời đề xuất được phương hướng và một số giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực phụ trách.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ thêm trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc thực hiện chính sách dân tộc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực dân tộc và việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mới được Thủ tướng Chính phủ giao phụ trách nội dung này trong thời gian ngắn nhưng đã rất tích cực, nỗ lực giúp cho Chính phủ nói chung, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh, tăng tốc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua Báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Ủy ban Dân tộc và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nên nhiều chuyển biến trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi nước ta; góp phần tăng cường an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và khối đại đoàn kết dân tộc; củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các luật, nghị quyết khác nhằm tạo cơ chế thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Qua chất vấn, trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhìn chung các chính sách dân tộc còn phân tán, dàn trải, hiệu quả còn chưa cao. Việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất chậm. Kết quả đạt được đến này còn hạn chế.

Các văn bản hướng dẫn ban hành chậm hoặc thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, chưa có định mức cụ thể. Thủ tục tiếp nhận, phê duyệt các chương trình, dự án còn phức tạp. Sự phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền các cấp còn bất cập, lúng túng. Việc phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được giải quyết dứt điểm. Việc huy động các nguồn lực cho Chương trình và phân bổ sử dụng các nguồn lực còn khó khăn. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa được triển khai hiệu quả...

Đời sống một bộ phận nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Việc phục hồi sản xuất chưa bền vững, không ít hộ dân chưa được hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội do chưa đăng ký được hộ khẩu. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại cho sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào và việc triển khai các chính sách dân tộc, các Chương trình mục tiêu quốc gia...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề.

Theo đó, quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030.

Cùng với đó là khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy định, hướng dẫn còn chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, nhất là việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn thực hiện Chương trình; chỉ đạo, đôn đốc triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung trong Chương trình đảm bảo hiệu quả, thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.

Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021 - 2025; lập danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thôn chia tách, sáp nhập hoặc đề nghị điều chỉnh tên gọi; trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với việc phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành.

Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự./.

(Nguồn: Infographics.vn)
Việt Đức

Tin liên quan

Xem thêm