Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Chất vấn nhóm vấn đề lao động - thương binh, xã hội và dân tộc

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết chất vấn những vấn đề lớn, quan trọng, không chỉ cần thiết, cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược, lâu dài.

Toàn cảnh Quốc hội chất vấn lĩnh vực dân tộc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Ngày 6/6, tại Nhà Quốc hội, theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tiến hành trong thời gian 2,5 ngày, từ sáng 6/6 đến hết sáng 8/6.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết chất vấn những vấn đề lớn, quan trọng, không chỉ cần thiết, cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược, lâu dài; đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” trong hoạt động chất vấn và các Bộ trưởng, Trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước.

"Nóng" các vấn đề dạy nghề, việc làm, bảo hiểm xã hội

Sau phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời các vấn đề. Một là, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hai là, thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Ba là, giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Phiên chất vấn có số lượng đông kỷ lục đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn (99 đại biểu), thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đối với lĩnh vực lao động, việc làm. Trong 46 đại biểu tham gia chất vấn có 35 đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn và 11 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận.  54 đại biểu đăng ký nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản theo quy định.

Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, đại biểu đăng ký chất vấn và đặt câu hỏi rất ngắn gọn, trách nhiệm, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề mà người dân, cử tri, doanh nghiệp đang rất quan tâm.

Bên cạnh việc ghi nhận những thành quả đạt được của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội  thẳng thắn chỉ ra không ít những tồn tại, hạn chế và yếu kém như: công tác giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập; trong xã hội vẫn còn tư duy “việc vào các trường nghề là lựa chọn cuối cùng”; trách nhiệm trong việc thu chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định, trốn đóng bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mượn hồ sơ của người khác tham gia bảo hiểm xã hội, thu mua gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động và các hành vi trục lợi khác; nhiều vướng mắc trong giải quyết việc làm cho người lao động khó khăn...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng có liên quan đã tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đồng thời giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu nêu ra, từ đó nhấn mạnh sẽ chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra.

Đánh giá chung về phiên trả lời chất vấn liên quan đến nhóm vấn đề lao động - thương binh và xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong nhiệm kỳ thứ hai có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và thành thạo trong trả lời chất vấn. Vì vậy, Bộ trưởng đã nắm rất chắc các quy định của Đảng, Nhà nước cũng như tình hình thực trạng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ và đã trả lời đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu. Đồng thời, Bộ trưởng đã đề xuất được nhiều giải pháp và cam kết với Quốc hội về việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, pháp luật và trong quá trình tổ chức thực hiện những nội dung thuộc lĩnh vực trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.

Bộ trưởng lần đầu đăng đàn

Tiếp sau phiên chất vấn lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, chiều 6/6, các đại biểu Quốc hội thực hiện chất vấn về các vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh lần đầu tiên ngồi "ghế nóng" trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ở nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bộ trưởng Hầu A Lềnh đã giải đáp về chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.

Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và cấp bách của Đảng, Nhà nước; các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo sự phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng cao.

Chương trình mục tiêu quốc gia được thiết kế với 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, đã được triển khai trên 51 tỉnh, thành phố, nhằm đạt mục tiêu tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, đảm bảo nguồn lực tập trung, đầu tư có trọng tâm trọng điểm.

Bộ trưởng cho biết, hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và một số chính sách mặc dù đã được ban hành nhưng văn bản hướng dẫn triển khai chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, làm chậm triển khai các chính sách, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Chương trình, sáng 7/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và các thành viên Chính phủ liên quan đối với nhóm vấn đề về dân tộc./.

V.Đ

Tin liên quan

Xem thêm