Sức khỏe

Bệnh viện tư nhân đầu tiên thành lập Ngân hàng mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người

Khi một người qua đời, nếu giác mạc của họ được hiến tặng, nó có thể sẽ mang lại ánh sáng cho hai người khác. Đây là một hành động nhân ái, góp phần mang lại sự sống mới cho những người bệnh.

Ngày 13/6, Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 tổ chức ra mắt Ngân hàng Mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người; phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc, bộ phận cơ thể người.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ
Ảnh: Lê Hảo

Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - cho đi là còn mãi" ngày 19/5 vừa qua của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 - cơ sở y tế tư nhân đầu tiên trong cả nước thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người.

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ, hiến giác mạc là hành động cao cả, mang lại ánh sáng và hy vọng cho những người không may mất đi thị lực. Trong cuộc sống, đôi mắt không chỉ là cửa sổ tâm hồn, còn là công cụ quan trọng giúp chúng ta tiếp cận thế giới. Đối với những người không may bị khiếm thị, ánh sáng là một điều vô cùng quý giá và thiêng liêng. Chính vì vậy, việc hiến giác mạc không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp, còn là món quà vô giá chúng ta có thể dành tặng cho những người cần đến nó.

"Hàng ngàn người bệnh đang chờ đợi một cơ hội để được nhìn thấy ánh sáng trở lại, để có thể tự mình đọc sách, ngắm nhìn gương mặt người thân, hay đơn giản chỉ là thấy được những sắc màu của cuộc sống. Khi một người qua đời, nếu giác mạc của họ được hiến tặng, nó có thể sẽ mang lại ánh sáng cho hai người khác. Đây là một hành động nhân ái, góp phần mang lại sự sống mới cho những người bệnh. Bằng cách hiến giác mạc, chúng ta không chỉ giúp đỡ người bệnh, còn để lại một di sản quý giá cho cuộc đời, biến sự ra đi của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là một trong những bệnh viện tiên phong được Bộ Y tế cho phép thực hiện công tác tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ và tiến tới điều phối mô/giác mạc. Đây không chỉ là kết quả của sự nỗ lực, tâm huyết của toàn thể nhân viên bệnh viện sau 7 năm thành lập và phát triển còn thể hiện y tế tư nhân đang từng bước khẳng định vị thế, cùng chung tay với hệ thống y tế công lập trong sự nghiệp chung bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành Y tế không phân biệt công - tư.

"Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác vận động hiến tặng mô, tạng và giác mạc. Với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, chúng ta sẽ ngày càng có nhiều người sẵn sàng hiến tặng mô, tạng, giác mạc, góp phần cứu sống hàng ngàn mạng người và mang lại niềm hy vọng cho những bệnh nhân đang chờ đợi", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định.

Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu
Ảnh: Lê Hảo

Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, kỹ thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đã đạt trình độ tiên tiến, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo nhưng lượng hiến giác mạc chỉ đáp ứng số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người, con số này ngày càng tăng. Vì vậy, việc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ra mắt Ngân hàng mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng số giác mạc được hiến, giúp cho nhiều người bệnh tìm được ánh sáng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Châu, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2017 đến nay, nước ta có khoảng hơn 300.000 người bị mù do các bệnh về giác mạc, trong đó một nửa bị mù cả 2 mắt. Tại Việt Nam, phẫu thuật ghép giác mạc được thực hiện lần đầu tiên từ năm 1950 nhưng số lượng rải rác do nguồn giác mạc hiếm hoi.

Việc Ngân hàng mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương ra đời đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển của phẫu thuật ghép giác mạc, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu ghép giác mạc của hàng vạn người bệnh. Vì thế việc phát triển phẫu thuật này tại nhiều trung tâm nhãn khoa khác là rất cần thiết.

"Nhằm san sẻ sự quá tải trong hệ thống công lập, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã mạnh dạn đầu tư xây dựng phát triển lĩnh vực ghép giác mạc để góp phần cứu chữa những người bệnh giác mạc", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Châu cho biết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trao quyết định thành lập Ngân hàng mô cho Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 Hoàng Thị Minh Châu
Ảnh: Lê Hảo

Hoàng Thị Minh Châu -

Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc đã công bố quyết định thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 và danh sách hội viên tới gần 140 người. Đây là Chi hội có số lượng hội viên đông nhất hiện nay.

Buổi lễ còn có sự xuất hiện của chị Nguyễn Trần Thuỳ Dương - mẹ của bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) qua đời năm 2018 vì bệnh ung thư và đã hiến giác mạc.

Chị Thùy Dương xúc động chia sẻ: Con gái tôi, bé Hải An, đã ra đi 6 năm. Trước khi mất, tâm nguyện của Hải An là hiến tặng một phần cơ thể của mình cho những bệnh nhân đang cần, đang chờ được cấy ghép. Nhờ nguyện ước của con, hai người mù đã tìm thấy ánh sáng, đồng thời, bản thân tôi cũng đã tìm thấy món quà con để lại chính là được gặp lại con theo một cách đặc biệt nhất.

Chị Nguyễn Trần Thuỳ Dương - mẹ của bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) qua đời năm 2018 vì bệnh ung thư và đã hiến giác mạc
Ảnh: Lê Hảo

Điều đó đã thay đổi cuộc sống của tôi từ trong nỗi đau đến niềm hạnh phúc, khiến tôi tin rằng con vẫn đang ở bên mình và cảm nhận được sự sống hồi sinh nếu chúng ta có thể vượt qua nỗi đau để chấp nhận cho đi.

"Một tay tôi trao lại ánh sáng từ đôi mắt của con để giúp người.Một tay tôi nhận lại tình yêu con gửi lại cho tôi, giúp đỡ tôi vượt qua những tháng ngày khó khăn. Để cái chết không còn vô nghĩa, chúng ta hãy cùng nhau tham gia đăng ký hiến tặng mô tạng với tinh thần "cho đi là còn mãi", chị Nguyễn Trần Thuỳ Dương xúc động nói.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã kêu gọi mọi người hãy lan tỏa thông điệp Hiến giác mạc – một hành động nhỏ, nhưng mang lại giá trị lớn lao, để mỗi người trong chúng ta đều trở thành một tấm gương sáng, góp phần mang lại ánh sáng và niềm hy vọng cho những người bệnh đang cần đến nó.

Ra mắt Ngân hàng mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2
Ảnh: Lê Hảo

Kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4/2007 của cụ bà Nguyễn Thị Hoa (ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình) sau khi qua đời, cả nước đã ghi nhận 963 người hiến giác mạc trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình (437 người hiến), Nam Định (332 người hiến) đến nay đã có hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời…

Nhờ nguồn giác mạc hiến tặng này, nhiều người đã được ghép giác mạc, trở lại cuộc sống lao động sinh hoạt bình thường. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao, không gì sánh được của những người bị bệnh lý giác mạc./.

 

Bích Thủy

Xem thêm