U tủy sống là một bệnh hiếm gặp, chiếm tỉ lệ 2,06% so với các khối u trong cơ thể nói chung và chiếm tỉ lệ 15% các u thuộc hệ thống thần kinh trung ương. Trường hợp của bệnh nhân T.T.K được đánh giá là ca phẫu thuật rất khó, vì u tủy sống có cấu trúc phức tạp, nguy cơ liệt sau mổ rất cao.
Ngày 9/6, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ và Bệnh viện Trung ương Huế vừa phối hợp phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị u tủy sống có cấu trúc phức tạp hiếm gặp.
Vào ngày 30/5, bệnh nhân T.T.K. (nữ, 45 tuổi, quê An Giang) nhập viện Bệnh viện Nam Cần Thơ trong tình trạng đau lưng, lan xuống 2 chân, đi lại khó khăn, mọi sinh hoạt cá nhân phải có người trợ giúp.
Sau khi tiếp nhận, thăm khám, làm các xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ Khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ kết luận bệnh nhân bị u tủy sống ngực vị trí D5, kích thước 17x10mm, xâm lấn chèn ép tủy.
Bác sĩ Chuyên khoa I Lý Tấn Phát, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho biết: U tủy sống là một bệnh hiếm gặp, chiếm tỉ lệ 2,06% so với các khối u trong cơ thể nói chung và chiếm tỉ lệ 15% các u thuộc hệ thống thần kinh trung ương. Trường hợp của bệnh nhân T.T.K được đánh giá là ca phẫu thuật rất khó, vì u tủy sống có cấu trúc phức tạp, nguy cơ liệt sau mổ rất cao.
Sau nhiều lần hội chẩn trực tuyến, đưa ra nhiều phương án, ê kíp các bác sĩ Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ và Bệnh viện Trung ương Huế quyết định thực hiện phẫu thuật vi phẫu lấy u tủy sống cho bệnh nhân. Quyết định này được đưa ra dựa trên đánh giá tổng quát về độ tuổi của người bệnh, tay nghề bác sĩ, máy móc thiết bị hiện đại…
Ca phẫu thuật thành công sau gần 4 giờ can thiệp. Toàn bộ khối u được loại bỏ, bảo vệ an toàn cấu trúc tủy sống và rễ thần kinh cho bệnh nhân. Hiện sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt và có thể đi lại nhẹ nhàng.
Qua trường hợp này, bác sĩ Lý Tấn Phát khuyến cáo người dân khi bản thân hoặc người thân xuất hiện các dấu hiệu đau như: cột sống cổ, cột sống ngực, cột sống thắt lưng kèm cảm giác châm chích, yếu liệt cơ.. cần nhanh chóng đến các bệnh viện uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp người bệnh hồi phục chức năng vận động, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ngày nay có nhiều phương pháp cận lâm sàng giúp phát hiện bệnh lý u tủy sớm và độ chính xác rất cao như: Chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Trong đó, chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện u tủy được xem là chính xác nhất vì xác định được vị trí, kích thước, hình dạng khối u cũng như xâm lấn đè ép của u với tủy rễ thần kinh trong ống sống và các thành phần liên quan khác./.