Theo các chuyên gia dịch tễ, đây là giai đoạn tỉnh có số ca mắc cao từ trước đến nay, do đó tỉnh Khánh Hòa cần quyết liệt và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống sốt rét tại địa phương.
Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh Khánh Hòa có 123 ca mắc sốt rét. Theo các chuyên gia dịch tễ, đây là giai đoạn tỉnh có số ca mắc cao từ trước đến nay, do đó tỉnh cần quyết liệt và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống sốt rét tại địa phương.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn từ năm 2018 đến 2022, số bệnh nhân mắc sốt rét trên địa bàn giảm dần. Năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 125 ca, đến năm 2022 còn 12 ca. Bắt đầu từ năm 2023, số ca mắc tăng cao với 209 trường hợp, trong đó có ca tử vong do sốt rét là một Việt kiều. Cụ thể, từ tháng 7/2023, bệnh sốt rét tăng với tốc độ nhanh 50 ca/tháng, sau đó giảm dần, đến cuối năm còn ghi nhận 22 ca/tháng, chủ yếu ở nhóm đối tượng đi rừng, ngủ rẫy ở huyện miền núi Khánh Vĩnh. Năm 2024, dù đã thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống sốt rét nhưng số ca mắc vẫn tăng cao dù đang trong thời điểm không phải là chu kỳ của bệnh.
Ông Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn nhận định, từ đầu năm đến nay, bệnh sốt rét ở tỉnh Khánh Hòa có sự gia tăng số ca bất thường, không theo chu kỳ. Dự báo trong trong thời gian đỉnh dịch (từ nay đến hết tháng 8 và từ tháng 11 tới tháng 2 năm sau), nếu tỉnh không có giải pháp quyết liệt, nguy cơ bùng phát số ca mắc sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Khánh Vĩnh có 12/14 xã, thị trấn có ca mắc sốt rét. Đặc biệt, tại 2 xã Khánh Phú và Khánh Đông, các ca mắc phát hiện gần 100% là ký sinh trùng sốt rét thể P. falciparum. Tại xã Khánh Thượng, số ca mắc phần lớn liên quan đến ký sinh trùng sốt rét thể P. Malarie. Năm tháng đầu năm 2024, huyện Khánh Vĩnh ghi nhận 114 ca mắc, trong số này có hàng chục ca sốt rét ác tính; số ca mắc là nam giới chiếm gần 80%; khoảng 25% là trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Đặc biệt, phần lớn ca mắc là người dân đi rừng, ngủ rẫy; ghi nhận gần 10 trường hợp thuộc lực lượng kiểm lâm mắc sốt rét. Đây là nhóm đối tượng làm nhiệm vụ thường xuyên ở rừng.
Ông Huỳnh Hồng Quang cho biết, trong đợt Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn tiến hành khảo sát ngẫu nhiên tại 30 nhà trên rẫy ở Khánh Vĩnh, có đến 17 nhà vách làm bằng bạt, không có chỗ treo màn. Do nóng, người dân có khi vén màn lên để ngủ cho mát, tạo điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh. Chưa kể, số người lành mang ký sinh trùng sốt rét không có triệu chứng ở cộng đồng còn nhiều, tiềm ẩn trở thành ổ lây bệnh khi bị muỗi đốt.
Theo ông Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, ngoại trừ huyện Khánh Vĩnh, 9 ca mắc sốt rét khác trên địa bàn tỉnh đã cơ bản kiểm soát được tình hình, không tạo nguồn lây mới. Cả 9 ca mắc này đều liên quan đến các ca mắc ở huyện Khánh Vĩnh. Nguyên nhân số ca mắc sốt rét tăng trong thời gian qua do nhiều yếu tố như: việc phục hồi của muỗi gây sốt rét, quần thể dân di cư biên động, thay đổi cơ cấu các chủng sốt rét.
Theo Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh, giải pháp thực hiện phòng, chống sốt rét trên địa bàn huyện đã được thực hiện tổng thể nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn chủ yếu như: do mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong rừng, trong khi đó cuộc sống của người dân lại gắn liền với đi rừng, rẫy, dẫn đến khó cắt được nguồn lây. Huyện đã thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức: phát thanh trên loa đài, trực tiếp qua công tác khám, chữa bệnh, giám sát, thăm hộ gia đình..., tuy nhiên, người dân còn rất chủ quan trong việc phòng, chống sốt rét, nhất là việc tham gia xét nghiệm, khai báo với y tế địa phương sau khi đi từ rừng, rẫy về để sớm phát hiện điều trị bệnh, sớm hạn chế lây lan trong cộng đồng./.
- Từ khóa:
- Khánh Hòa
- sốt rét
- bệnh truyền nhiễm