Quận Tây Hồ phải giữ gìn, bảo vệ, quản lý, khai thác hồ Tây hiệu quả, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, điểm đến du lịch thu hút du khách
TTXVN - Ngày 11/1, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020-2023, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo.
Dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn...
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn quận đạt nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. Tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế do quận quản lý bình quân hằng năm đều tăng, năm 2023 tăng 14,6%. Cơ cấu chuyển dịch đúng định hướng “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp".
Sự nghiệp văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển toàn diện, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân được nâng cao. Trên địa bàn quận không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố. Công tác Quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường được thực hiện hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn.
Nhấn mạnh quận Tây Hồ dự kiến trong giai đoạn tới thu được khoảng 14 nghìn tỷ đồng từ tiền sử dụng đất 2 dự án khu đô thị Nam Thăng Long và Tây Hồ Tây, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến đề xuất thành phố cho phép quận đầu tư các dự án thuộc phân cấp của thành phố như xây dựng tuyến đường ngoài đê sông Hồng, tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn, tuyến đường từ Lạc Long Quân đến Cống Đõ, phường Bưởi. Tổng mức đầu tư dự kiến cho 3 dự án khoảng 7.800 tỷ đồng. Quận đề xuất thành phố được triển khai 3 dự án trên bằng nguồn kinh phí hỗn hợp gồm: 60% ngân sách thành phố và 40% ngân sách quận.
Quận Tây Hồ đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường hồ Tây. Cụ thể, quận dự kiến thực hiện các dự án như: Nạo vét, cải tạo môi trường hồ Tây khoảng 1.000 tỷ đồng; xây dựng các bến thủy nội địa trên hồ Tây khoảng 1.600 tỷ đồng; xây dựng đài phun nước và nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật chiếu sáng xung quanh hồ Tây khoảng 600 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư thực hiện các dự án trên khoảng 3.200 tỷ đồng. Quận đề xuất thành phố được triển khai các dự án trên bằng nguồn kinh phí hỗn hợp gồm 60% ngân sách thành phố, 40% ngân sách quận giai đoạn 2024-2030.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo sở, ngành cùng chung quan điểm cho rằng, quận Tây Hồ có bước chuyển mình phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực, nhất là du lịch, văn hóa. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang bày tỏ, quận Tây Hồ mang trong mình giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt không chỉ của quận mà của cả Thủ đô. Gợi mở một số định hướng để phát triển du lịch thời gian tới, Giám đốc Sở Du lịch đề nghị, quận tiếp tục quan tâm đầu tư, quản lý hiệu quả không gian kiến trúc mặt cảnh quan hồ Tây, tận dụng mặt nước hồ Tây khai thác bến thủy nội địa, kết nối du lịch đường sông. Quận nên thực hiện kết nối đồng bộ các khu vui chơi như, thung lũng hoa, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Lotte Mall... để phát triển dịch vụ, du lịch.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đoàn kết và nêu gương của người đứng đầu tạo sự lan tỏa trong toàn Đảng bộ quận Tây Hồ, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội. Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận phải thực sự coi hồ Tây là giá trị cốt lõi để phát triển và có khát vọng, tầm nhìn, định vị hồ Tây vượt qua khỏi Hà Nội, có trên bản đồ khu vực, thế giới. Thành phố cùng các sở, ngành đồng hành, hỗ trợ quận hiện thực hóa khát vọng phát triển.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội của quận. Gợi mở những định hướng để quận phát triển nhanh và bền vững thời gian tới, Bí thư Thành ủy cho rằng, quận cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, thành phố, cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương, định hướng trên một số lĩnh vực thế mạnh như di tích văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục..., trong đó quận phải khơi thông nguồn lực từ văn hóa để phát triển nhanh và bền vững.
Nhấn mạnh đến giá trị quý báu là chỉ có Hà Nội mới có hồ Tây, lá phổi của thành phố, báu vật của quốc gia, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý, quận Tây Hồ phải giữ gìn, bảo vệ, quản lý, khai thác hồ Tây hiệu quả, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, điểm đến du lịch thu hút du khách. Để làm được điều đó, quận phải có đề án quản lý cho khai thác và phát triển. Bí thư Thành ủy thống nhất chủ trương của thành phố giao quận chủ trì, các sở, ngành cùng tham gia, tránh tình trạng thời gian qua việc quản lý hồ Tây có biểu hiện "cha chung không ai khóc" (nhiều đơn vị cùng quản lý).
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, UBND quận đang hoàn thiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận. Đây là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa xung quanh khu vực hồ Tây. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ tiếp tục đoàn kết hiện thực hóa khát vọng xây dựng khu vực hồ Tây với chức năng là trung tâm văn hóa, công cộng, phát triển du lịch, khai thác cảnh quan, trở thành điểm nhấn của Thủ đô, nhất là khai thác tiềm năng to lớn (đặc biệt là tiềm năng về văn hóa) khu vực hồ Tây, góp phần phát triển Hà Nội xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại./.