An sinh

Bình đẳng cho người khuyết tật: Mở đường tri thức

Được tạo cơ hội học tập, làm việc, được tự lao động để mưu sinh và mưu cầu thành công, hạnh phúc, là ước mơ của những người khuyết tật và cũng là phương châm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua.

“Con thích đến trường. Con thích được đi học. Con thích chơi với các bạn”- Nguyễn Duy Phong, cậu học trò lớp 1B Trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội) vui vẻ chia sẻ. Nét mặt Phong vui tươi, hớn hở khi nhận những tràng pháo tay của bạn bè và những lợi ngợi khen cô giáo. Đó là món quà tinh thần vô giá đối với cậu học trò khuyết tật đang học trong lớp chuyên biệt ở Trường Tiểu học Bình Minh.

Tháng 9 năm 2022, Nguyễn Duy Phong bước vào lớp 1. Trong khi các bạn cùng trang lứa đã biết đọc, biết viết, Phong lại không hòa nhập với các bạn, sợ tiếp xúc với mọi người xung quanh. Chỉ cần cô giáo hay ai đó hơi nói to là cậu bé dỗi, khóc, rồi tự làm đau chính bản thân mình. Tuy nhiên, sau 5 tháng học ở Trường Tiểu học Bình Minh, Nguyễn Duy Phong có những tiến bộ vượt bậc. Cậu bé đã vui vẻ ngồi cạnh những bạn học khác trong lớp và giờ ra chơi là niềm sung sướng của Phong khi được chạy nhảy, nô đùa, cùng bạn bè.

Sự tiến bộ của cậu học trò khuyết tật cũng là niềm vui đối với cô Nguyễn Thị Thu Nga, giáo viên lớp 1B, Trường Tiểu học Bình Minh. Xác định chỉ có yêu thương mới giúp được những học trò đặc biệt hòa nhập với cuộc sống bình thường, cô đã tìm hiểu rất kỹ tình trạng sức khoẻ, tâm sinh lý và sự phát triển lứa tuổi của Nguyễn Duy Phong cũng như các trò khác trong lớp.

Trên cơ sở đó, cô Thu Nga đã có những đánh giá đúng mức độ chậm phát triển trí tuệ của học trò để cùng nhà trường đưa ra những phương pháp giúp đỡ, hướng dẫn can thiệp chính xác đối với mỗi em. Như ở lớp 1B, lớp học của cô được chia thành 3 trình độ, một nhóm có trình độ tương đương như học sinh phổ thông bình thường, một nhóm học cộng trừ trong phạm vi từ 1 đến 10, nhóm còn lại chủ yếu nhận diện các số từ 1 đến 10.

“Với trường hợp của Nguyễn Duy Phong, thời gian mới vào lớp, chỉ cần nghe ai hơi nói to là trò này hay dỗi, khóc, rồi tự cấu chí bản thân. Con cũng có những vấn đề đề về ngôn ngữ và cảm giác. Con không nói được những câu cú có khoảng 5 từ trở lên, thường hay nói vuốt đuôi. Nhưng sau một thời gian đi học, Phong đã tiến bộ vượt bậc. Hiện nay, con đã sẵn sàng ngồi với những bạn khác trong lớp và có thể tự tin giao tiếp”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga chia sẻ.

Trò Nguyễn Duy Phong, lớp 1B, cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga là một trong những câu chuyện ở Trường Tiểu học Bình Minh về sự thân ái, tình thương, lòng nhân hậu giúp trẻ khuyết tật trí tuệ hoà nhập cộng đồng xã hội. Để giáo dục học sinh bình thường, giáo viên vốn đã vất vả, nhưng với trẻ khuyết tật học hòa nhập, nỗi gian nan dường như tăng lên gấp bội, càng đòi hỏi các thầy cô giáo phải thực sự tâm huyết và yêu trẻ mới có thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Không chỉ thành thạo kỹ năng chuyên môn, các thầy cô còn phải kiên nhẫn, dùng chính tình cảm yêu thương của mình để thấu hiểu, cảm hóa hành vi của các học trò.

Chia sẻ điều này, cô giáo Nguyễn Thanh Thuý- người đã 18 năm đứng lớp ở Trường Tiểu học Bình Minh cho hay: Giúp đỡ các trò hòa nhập trong môi trường có cả học sinh bình thường và học sinh chuyên biệt cần rất nhiều công sức. Giáo viên vừa phải giảng dạy cho học sinh bình thường nắm vững kiến thức theo đúng chất lượng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lại phải có kế hoạch riêng cho học sinh học hoà nhập. Trong khi đó, việc tiếp thu kiến thức của những học trò khuyết tật trí tuệ lại khó khăn hơn so với các bạn bình thường, bởi các trò này nhận thức chậm, tư duy chủ yếu là trực quan nên các em thường học trước quên sau. Việc vận dụng kiến thức vào cuộc sống lại càng vất vả hơn.

“Nhiều học trò khi mới nhập học, do chưa quen với môi trường giáo dục mới, các con đến lớp phản ứng rất dữ dội như khóc, la hét. Thậm chí, một số trò thu mình lại, không tương tác với cô, các bạn trong lớp. Để giúp các con hòa nhập, tiến bộ, chúng tôi phải chia nhỏ các mục tiêu, bài học và phải làm phong phú lên tất cả các hoạt động”, cô giáo Thanh Thuý chia sẻ.

Trao đổi về mô hình giáo dục hòa nhập ở Trường Tiểu học Bình Minh, cô Trịnh Thị Lệ Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh cho hay: Hiện Trường có hơn 300 học sinh, chia thành hai khối là giáo dục Tiểu học hòa nhập và Giáo dục đặc biệt. Trong đó, học sinh hòa nhập có trên 200 em và được chia về các lớp khác nhau tùy theo mức độ khuyết tật. Không có giáo trình riêng dành cho trẻ khuyết tật, nhà trường đã tự biên soạn, lựa chọn tư liệu phù hợp để dạy cho từng đối tượng. Các giáo viên bám vào nội dung chương trình, sách giáo khoa mới để chọn lọc nội dung thích hợp dạy cho trẻ hòa nhập.

“Với mỗi học sinh đặc biệt trong khối học sinh chậm phát triển trí tuệ, nhà trường xác định không thể áp dụng cùng một nội dung, phương pháp nào, mà luôn phải linh hoạt điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của trẻ và theo từng năm học. Ở đây, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều hiểu rõ tính nết của từng học sinh. Chúng tôi tạo sự tin tưởng cho các con bằng sự quan tâm thực chất từ trong tâm của mình. Nhiều gia đình cho rằng con rất khó bảo, nhưng khi giáo viên yêu cầu, con lại phối hợp rất tốt”, cô Trịnh Thị Lệ Thu chia sẻ.

Thầy cô giáo giàu kinh nghiệm, luôn sáng tạo và tâm huyết với nghề. Bạn bè trong trường, trong lớp yêu thương, sẻ chia nên những học trò khuyết tật ở Trường Tiểu học Bình Minh rất vui vẻ cắp sách đến trường, hòa nhập với các bạn trong lớp, trong trường.

Đấy chính là món quà vô giá đối với không chỉ thầy, cô giáo, nhà trường và những học trò đặc biệt, mà còn với chính phụ huynh học sinh. Như bộc bạch của chị Bùi Thanh Hương (ở Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội), phụ huynh học sinh lớp 1B, Trường Tiểu học Bình Minh: "Còn gì vui hơn khi chứng kiến những tiến bộ rõ rệt của con mình. Thay vì đóng chặt cửa, đi vào nhà khi gặp các bạn hàng xóm như trước đây, nay cứ về đến nhà, thấy các bạn chơi là con vứt cặp sách đó để chạy ra chơi cùng các bạn trong xóm".

“Vui nữa là con đã rất chủ động giao tiếp với người lạ. Đây chính là những cơ sở để gia đình có niềm tin, con sẽ tiếp cận cuộc sống bình thường và từ đó hòa nhập với xã hội”, chị Bùi Thanh Hương chia sẻ.

Chị Bùi Thanh Hương (ở Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội), phụ huynh học sinh lớp 1B, Trường Tiểu học Bình Minh.

>>> Xem tiếp bài 2: Bình đẳng cho người khuyết tật: Thắp sáng niềm tin

Hạnh Quỳnh-Việt Đức

Xem thêm