Giáo dục

Bình Phước tăng cường công tác giáo dục nghề nghiệp

Bình Phước

Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 tuyển sinh đào tạo khoảng 80.000 lao động.

Giờ học Công nghệ thông tin tại Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN)

TTXVN - Theo tính toán, đến năm 2025, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Phước sẽ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng với sự mở rộng các khu công nghiệp tập trung và mỗi huyện có từ 1 – 3 cụm công nghiệp. Trong giai đoạn này, mỗi năm, tỉnh cần bổ sung mới lao động có trình độ sơ cấp khoảng 6.000 – 7.000 người/năm; từ trung cấp, cao đẳng trở lên bình quân mỗi năm từ 1.000 – 2.000 người/năm với các ngành có nhu cầu cao như: tự động hóa, điện – điện tử, điện công nghiệp, điện kỹ thuật, cơ khí chế tạo máy, phiên dịch…

Từ thực tiễn này, Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 tuyển sinh đào tạo khoảng 80.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%; tỷ lệ học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt trên 85%; ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu tuyển sinh đào tạo khoảng 120.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 – 40%; tỷ lệ học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt trên 90%. Ít nhất 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia. Trường Cao đẳng Bình Phước tự chủ từ 70% trở lên, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên tự chủ từ 30% trở lên.

Để đạt mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết tỉnh tăng cường năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Theo đó, tỉnh tái cấu trúc và phát triển Trường Cao đẳng Bình Phước thành trường nòng cốt trong công tác đào tạo nghề; tiếp tục đào tạo giáo dục mầm non với quy mô phù hợp...

Hướng dẫn thực hành đan ghế cho thanh niên. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN phát)

Tỉnh Bình Phước củng cố, tăng cường năng lực đào tạo của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tại các địa phương, sẵn sàng đào tạo văn hóa, đào tạo nghề cho các học sinh sau phân luồng, lao động nông thôn. Giai đoạn 2021 – 2025, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tổ chức dạy bổ túc văn hóa, rà soát củng cố năng lực đào tạo nghề theo nhu cầu (việc dạy nghề trong giai đoạn này thực hiện bằng hình thức liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện). Giai đoạn 2026 – 2030, ngoài việc dạy bổ túc văn hóa, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tập trung thực hiện chức năng dạy nghề: tự đào tạo trình độ sơ cấp, liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo trình độ trung cấp.

Mặt khác, Bình Phước còn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư nhân tăng cường năng lực đào tạo cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích đào tạo các ngành xã hội có nhu cầu cao; hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời thúc đẩy gia tăng nguồn lực đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh phấn đấu thu hút đầu tư thêm 2 trường Trung cấp nghề; thu hút các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín, mở phân hiệu, điểm đào tạo tại tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, địa phương tăng cường điều tra, khảo sát nhu cầu thị trường lao động, nâng cao chất lượng trong hoạt động dự báo nhu cầu việc làm nhằm xác định danh mục các ngành xã hội có nhu cầu. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở mới các mã ngành, cải tiến liên tục về chương trình đào tạo gắn với thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; phát triển chương trình đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học ở trình độ trung cấp, cao đẳng.

Bình Phước đa dạng hoá các hoạt động truyền thông và hình thức triển khai: tăng tần suất thông tin, kết hợp tư vấn trực tiếp với tư vấn online qua các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh, mở rộng qua mạng xã hội, phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức các sự kiện truyền thông, phát hành sản phẩm truyền thông giáo dục nghề nghiệp để truyền tải sâu, rộng đến mọi người dân…/.

Như Bình

Xem thêm