An toàn giao thông

Bình Phước: Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm trật tự an toàn giao thông

Bình Phước

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước yêu cầu không để bất cứ tổ chức, cá nhân can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh: TTXVN phát

(TTXVN)  Ngày 28/10, Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Trong 10 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng về giao thông của tỉnh luôn phát triển. Hệ thống giao thông và phương tiện giao thông tăng lên gấp nhiều lần (năm 2012, tổng số phương tiện tỉnh quản lý là 15.758 ôtô, 432.694 môtô; đến tháng 5/2022, con số tương ứng là 55.908 ô tô, 875.778 mô tô).

Năm 2012, toàn tỉnh có 1.735 tuyến đường, với tổng chiều dài 6.300 km. Đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông toàn tỉnh có 2.855 tuyến đường, tổng chiều dài hơn 9.102 km. Trong đó, các tuyến giao thông huyết mạch với điểm nhấn là ba tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, tổng chiều dài 228,9 km gồm: 79,9 km Quốc lộ 13, 106 km Quốc lộ 14 và Quốc lộ 14C (đoạn đã nâng cấp từ tuyến ĐT. 741 dài 43 km, đoạn quy hoạch còn lại đang chờ nâng cấp khoảng 88,1 km).

Hệ thống đường tỉnh được xây dựng đồng bộ, gồm 15 tuyến, tổng chiều dài 544,18 km. Đường huyện và các tuyến đường huyết mạch tới các xã, thị trấn được nhựa hóa 100%. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh xây dựng được 6.900 km đường giao thông. Trong đó, giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư với 3.900 km đường bê tông triển khai theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đặc biệt, từ năm 2019, Tỉnh ủy Bình Phước đã đề ra mục tiêu mỗi năm xây dựng 1.000 km đường nông thôn theo cơ chế đặc thù. Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 2.000 km, tạo chuyển biến tích cực ở vùng nông thôn của tỉnh.

Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, tình hình trật tự an toàn giao thông luôn được bảo đảm, tai nạn giao thông so với trước đã giảm rõ rệt, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Từ năm 2012 đến tháng 5/2022, toàn tỉnh xảy ra 2.587 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.525 người, bị thương 2.375 người so với giai đoạn 2002-2012 giảm 2.151 vụ (giảm 45%), giảm 353 người chết (giảm 19%), giảm 2.791 người bị thương (giảm 54%).

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, địa phương đã thực hiện quyết liệt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trọng tâm vào chủ đề của từng năm. Nhờ đó, tai nạn giao thông giảm hàng năm…

Dự báo thời gian tới, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, lưu lượng phương tiện giao thông nhiều, hạ tầng giao thông có thay đổi phù hợp quy hoạch của tỉnh. Đặc biệt là việc xây dựng các dự án cao tốc, cụm, khu công nghiệp, mở rộng quy hoạch đô thị… đòi hỏi có biện pháp thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiệu quả, bền vững và lâu dài.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh  đề nghị, các cấp ủy Đảng tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả giải pháp trọng tâm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Lực lượng chức năng tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn về hành vi vi phạm giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn, có chất ma túy. Đặc biệt không để bất cứ tổ chức, cá nhân can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã tặng Bằng khen 4 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc./.

K GỬIH

Xem thêm