Xã hội

Bình Thuận thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm

Bình Thuận

Đề án xác định phát triển kinh tế ban đêm phải dựa trên quan điểm phát triển bền vững, kiến tạo môi trường du lịch và dịch vụ bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

TTXVN - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh đến năm 2030.

Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh; xây dựng Phan Thiết - Mũi Né và các điểm du lịch trở thành điểm đến sôi động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu làm việc, vui chơi giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm cuộc sống về đêm của người dân, du khách. Qua đó thúc đẩy ngành dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đồng thời, lan tỏa phát triển các ngành kinh tế khác, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước.

Đề án xác định phát triển kinh tế ban đêm phải dựa trên quan điểm phát triển bền vững, kiến tạo môi trường du lịch và dịch vụ bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Phát triển kinh tế ban đêm trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế mới, thúc đẩy nhiều ngành, nghề kinh doanh truyền thống và phi truyền thống. Đồng thời tận dụng tối đa thời gian để gia tăng các hoạt động kinh tế, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch.

Kinh tế ban đêm phải là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, du lịch diễn ra trong khoảng thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau. Phát triển kinh tế ban đêm gắn với đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và yêu cầu về quản lý nhà nước.

Bình Thuận phát triển kinh tế ban đêm thành các giai đoạn. Giai đoạn 2023- 2025, tỉnh sẽ thực hiện thí điểm kinh tế ban đêm tại địa bàn thành phố Phan Thiết trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cụ thể, tại khu vực dọc hai bên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến thí điểm tổ chức, sắp xếp chuỗi hoạt động phục vụ kinh tế ban đêm có sự quản lý của cơ quan nhà nước như, các loại hình quán ăn đêm, bar, pub, karaoke, điểm biểu diễn văn hóa, văn nghệ, vui chơi về đêm, phố đêm, phố đi bộ...phục vụ tối đa nhu cầu của du khách, nhất là khách nước ngoài. Đồng thời, quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối, bãi đỗ xe phù hợp và tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật thu hút du khách. Trước mắt, có thể tổ chức thí điểm mô hình kinh tế ban đêm ở khu vực này vào ngày cuối tuần (từ tối thứ Sáu đến đêm Chủ nhật).

Địa phương có thể hình thành một vài khu vực thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại trung tâm thành phố Phan Thiết gắn với phố đêm, phố đi bộ tại trục đường Nguyễn Tất Thành, bên bờ sông Cà Ty, đường Tuyên Quang, đường Lê Lợi…Thành phố nghiên cứu thí điểm tổ chức hoạt động kinh tế ban đêm tại một số khu du lịch, nghỉ dưỡng trọng điểm đáp ứng đủ điều kiện…

Giai đoạn 2024-2025, tỉnh nghiên cứu tổ chức thí điểm kinh tế ban đêm tại huyện đảo Phú Quý (nếu đáp ứng đủ điều kiện cần thiết); giai đoạn 2026-2030, hoàn thành định hướng, mô hình phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh, tập trung phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Phan Thiết; cho phép các địa phương khác chủ động nghiên cứu, tổ chức triển khai trong giai đoạn 2026-2030 hoặc sớm hơn theo nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng đầy đủ điều kiện, phù hợp tình hình thực tế.

Bên cạnh tổ chức hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, Bình Thuận định hướng kêu gọi đầu tư, hình thành khu vui chơi giải trí quy mô lớn, chợ đêm, phố đi bộ, show diễn, hoạt động vũ trường, xây dựng khu tổ hợp vui chơi giải trí về đêm riêng biệt, hấp dẫn... Tỉnh tổ chức hoạt động tham quan, giải trí, các loại hình tour tham quan thưởng ngoạn thành phố về đêm sử dụng phương tiện vận chuyển hiện đại và truyền thống, phương tiện mang đặc trưng của điểm đến trên đường bộ, đường thủy, hoạt động giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm…

Bình Thuận hiện có 597 cơ sở lưu trú hoạt động kinh doanh với 19.096 phòng. Ngoài ra, còn có 315 biệt thự du lịch và 1.019 căn hộ du lịch. Năm 2023, toàn tỉnh đón 8,3 triệu lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 19,5 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 9,1%. Phấn đấu đến năm 2025, Bình Thuận đón khoảng 8,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10 - 12%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021- 2025 từ 18 - 20%/năm. Du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10-11%./.

Hồng Hiếu

Tin liên quan

Xem thêm