Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý, các cấp, ngành đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác người cao tuổi, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi.
TTXVN - Ngày 20/12, Ban Công tác Người cao tuổi tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi và Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau năm 2023.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát lại kết quả thực hiện các mục tiêu, giải pháp triển khai Chương trình. Từ đó, đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện tốt trách nhiệm chăm sóc sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần, phát huy mạnh mẽ và hiệu quả vai trò của người cao tuổi trên tất cả lĩnh vực.
Các cấp, ngành tổ chức đa dạng các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi như: Hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, sinh kế, nhà ở, việc làm; tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy vai trò là “cây cao bóng cả”; đẩy mạnh phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Đảng và chính quyền...
Bên cạnh đó, các cấp, ngành quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các mặt hoạt động trong công tác người cao tuổi như: đội ngũ trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ dưỡng lão cho người cao tuổi; hỗ trợ hoạt động các câu lạc bộ của người cao tuổi, nhất là câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau...
Các cấp, ngành đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác người cao tuổi, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi; tăng cường trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan để người cao tuổi được hoạt động, tiếp cận với các dịch vụ xã hội.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý, Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình ý nghĩa trong việc nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Do đó, địa phương cần tích cực huy động sự tham gia của người cao tuổi, phát huy hiệu quả các mô hình hiện có và nhân rộng các mô hình mới. Các ngành, cấp cần có kế hoạch thực hiện Đề án, tập huấn và lồng ghép vào các đề án, dự án để huy động các nguồn lực cùng tham gia chung tay thực hiện tốt công tác chăm lo cho người cao tuổi.
Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 135.200 người cao tuổi, trong đó có hơn 126.091 là hội viên người cao tuổi các cấp. Trong năm 2023, các cấp Hội đã chi trợ cấp xã hội và bảo hiểm y tế kịp thời cho hơn 18.900 người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên và 4.611 người cao tuổi từ 60 - 79 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo; khám sức khỏe định kỳ cho hơn 43.500 lượt người cao tuổi, trong đó có hơn 3.240 trường hợp bị tai biến, bệnh nặng được bác sỹ ở trạm y tế đến khám định kỳ tại nhà… Người cao tuổi được tạo điều kiện thuận lợi và tích cực phát huy vai trò trên mọi mặt đời sống xã hội. Địa phương có hơn 89.000 người cao tuổi đăng ký thực hiện phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”, hơn 15.000 người cao tuổi tham gia thi đua làm kinh tế giỏi…
Năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập mới 14 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, nâng tổng số câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh lên 128 câu lạc bộ với hơn 7.100 thành viên. Qua đó, góp phần xây dựng tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư; huy động nguồn lực để chăm sóc, hỗ trợ kịp thời cho người cao tuổi, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; động viên người cao tuổi làm kinh tế giỏi, giúp người cao tuổi nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất, tích cực tham gia các phong trào thi đua, góp phần xây dựng và phát triển địa phương./.
- Từ khóa:
- Vĩnh Long
- người cao tuổi
- dịch vụ
- an sinh xã hội