Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho rằng, các cấp Hội cần xác định rõ việc tuyên truyền các giá trị nhân đạo là nhiệm vụ nền tảng, có tính chi phối cao đồng thời là nhiệm vụ chung của toàn Hội.
TTXVN - Hội thảo Đổi mới phương thức truyền thông của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giai đoạn 2023-2030 đã được tổ chức ngày 20/12, tại Hà Nội.
Đây là dịp để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, cơ quan báo chí, truyền thông mạng xã hội nhằm đổi mới phương thức hoạt động truyền thông chuyên nghiệp, tinh gọn, đa năng; từng bước xây dựng hệ thống kênh truyền thông đa dạng, rộng khắp, chủ động, linh hoạt, hiệu quả đảm bảo triển khai đáp ứng tốt các yêu cầu trong thời kỳ chuyển đổi số…
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhận định, những năm qua, hoạt động truyền thông của Hội đã có những chuyển biến rõ nét cả về nhận thức, chỉ đạo, về bộ máy, cán bộ, cơ chế truyền thông, về nội dung, phương thức, hiệu quả truyền thông, góp phần quan trọng trong tuyên truyền các giá trị nhân đạo, nâng cao hình ảnh, vị thế của tổ chức Hội; vận động nguồn lực, động viên ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động nhân đạo.
Sự phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông ngoài Hội ngày càng được mở rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Nội dung truyền thông đã bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nhân đạo, phản ánh nhanh nhạy, kịp thời, tương đối toàn diện các mặt hoạt động của các cấp Hội. Các phương thức truyền thông không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế truyền thông hiện đại, có sức lan tỏa sâu rộng…
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng, các cấp Hội cần xác định rõ việc tuyên truyền các giá trị nhân đạo là nhiệm vụ nền tảng, có tính chi phối cao đồng thời là nhiệm vụ chung của toàn Hội. Nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông là xu thế tất yếu hiện nay, gắn liền với chiến lược chuyển đổi số của toàn Hội, là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác hàng năm và nhiệm kỳ, có ý nghĩa góp phần thúc đẩy các công tác khác trong hoạt động của Hội, đặc biệt là công tác vận động nguồn lực.
Hội thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến từ các đại biểu vào dự thảo Nghị quyết về các giải pháp như: xây dựng hệ thống kênh truyền thông đa nền tảng, hoạt động hiệu quả; kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ truyền thông; tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin trong truyền thông; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí, tài liệu phục vụ công tác truyền thông…
Đại diện Tiktok Việt Nam Nguyễn Khánh Toàn chia sẻ, trong thời đại công nghệ 4.0, phương thức truyền thông về hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần hướng tới những nội dung cụ thể, trực quan và cần có kế hoạch tạo nên những chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn. Với những lợi thế sẵn có trong công tác từ thiện và hiến máu tình nguyện của Hội, cùng với khả năng lan tỏa của các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook…sẽ góp phần tích cực, có hiệu quả cao đối với các hoạt động của Hội trong thời gian tới.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2024, 100% tỉnh, thành Hội có cán bộ truyền thông biết sử dụng điện thoại thông minh, các công cụ, ứng dụng thông minh để sản xuất các sản phẩm truyền thông trên các nền tảng trực tuyến. Hoạt động tập huấn kiến thức Hội và kỹ năng truyền thông cho cán bộ cơ quan và cấp quận/huyện vào kế hoạch hàng năm, tối thiểu 1 khóa/năm; tổ chức các cuộc thi trong cán bộ, hội viên, cộng tác viên truyền thông từ trung ương đến cơ sở nhằm đa dạng hóa các nội dung truyền thông làm chất liệu cho vận động nguồn lực. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành ứng dụng (App) phục vụ hoạt động truyền thông gắn với mục tiêu chuyển đổi số của Chính phủ về phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Đến năm 2030, xây dựng và phát triển Tạp chí Nhân đạo theo hướng “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại” phù hợp với Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ./.