Sức khỏe

Giải các bài toán hóc búa của ngành Y học bằng tế bào Treg

Giáo sư Shimon Sakaguchi, Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong (IFReC), Đại học Osaka (Nhật Bản) đã trao đổi với báo chí về những nghiên cứu tiên tiến trong việc góp phần giải quyết những bài toán hóc búa của ngành Y học đối với bệnh ung thư hoặc các bệnh tự miễn…

Giáo sư Shimon Sakaguchi trong phiên thảo luận tại Tọa đàm (Ảnh: Thu Phương/TTXVN)

TTXVN - Khuôn khổ Tọa đàm Khoa học vì cuộc sống diễn ra từ ngày 18-19/12, một hoạt động nổi bật trong Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture 2023, Giáo sư Shimon Sakaguchi, Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong (IFReC), Đại học Osaka (Nhật Bản) đã trao đổi với báo chí về những nghiên cứu tiên tiến trong việc góp phần giải quyết những bài toán hóc búa của ngành Y học đối với bệnh ung thư hoặc các bệnh tự miễn…

Giáo sư Shimon Sakaguchi là nhà miễn dịch học xuất sắc, người đầu tiên trên thế giới phát hiện ra các tế bào T điều hòa (Tregs); sử dụng trúng đích để kích hoạt và tăng cường khả năng miễn dịch của khối u cũng như điều trị các bệnh tự miễn, bệnh viêm nhiễm khác trong môi trường lâm sàng.

*Phóng viên: Giáo sư đã tìm ra tế bào T điều hòa (Treg), một trong những bước ngoặt lớn của lịch sử y khoa liên quan tới bệnh tự miễn - rối loạn ảnh hưởng đến mười phần trăm dân số thế giới như thế nào? Xin ông chia sẻ những bước tiến mới của nghiên cứu này?

*Giáo sư Shimon Sakaguchi: Tôi quan tâm đến cơ chế của bệnh rối loạn miễn dịch hay còn gọi là bệnh tự miễn khi còn là một sinh viên y khoa. Khi ấy, tôi quan sát được những hiện tượng thú vị khi thử loại bỏ tuyến ức ở chuột. Việc tác động này đã gây ra triệu chứng bệnh tự miễn ở chuột thí nghiệm, rất giống với con người.

Khi nghiên cứu sâu thêm, tôi đã xác định được tính chất và đặc điểm của một nhóm nhỏ tế bào Treg từ chuột trưởng thành. Khi loại bỏ nhóm tế bào này (thay vì cắt loại tuyến ức) chuột bị mắc rất nhiều các bệnh tự miễn. Điều bất ngờ là các bệnh tự miễn sẽ được chữa trị nếu ta truyền tế bào Treg ở chuột khỏe mạnh cho chuột bệnh.

Khi đi đánh giá sâu hơn ở mức độ phân tử, nhóm nghiên cứu của tôi phát hiện ra vai trò then chốt của một phân tử (gọi là yếu tố phiên mã Foxp3) đối với hoạt động của tế bào Treg. Thông qua nghiên cứu các đột biến trên Foxp3, chúng tôi xác định được bất thường ở nhóm tế bào này chính là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tự miễn ở người.

Hiện có hai xu hướng áp dụng nghiên cứu tế bào Treg. Cụ thể, hướng thứ nhất là giảm tế bào Treg trong cơ thể, từ đó có thể hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả hơn. Hiện tại, liệu pháp này đang được thử nghiệm lâm sàng.

Tuy nhiên, việc giảm lượng tế bào Treg trong cơ thể có điểm tiêu cực là nó gây ra nhiều tác dụng phụ. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tăng tính hiệu quả trong điều trị ung thư bằng việc giảm lượng tế bào Treg nhưng cũng đồng thời giảm tác dụng phụ đối với cơ thể. Hướng nghiên cứu này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Phương pháp thứ hai là tăng lượng tế bào Treg, được sử dụng trong điều trị các bệnh như là tim mạch, dị ứng và một số loại bệnh khác. Cách thực hiện đối với phương pháp thứ hai là lấy lượng tế bào Treg có sẵn trong cơ thể, phân tách ra khỏi hệ thống miễn dịch sau đó nhân lượng tế bào lên; đưa trở lại cơ thể, sử dụng chúng để ức chế các tế bào có hại, từ đó giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn. Cả hai cách tiếp cận này đều đang trong giai đoạn thử nghiệm hiệu quả.

Hiện nay, hai liệu pháp này chưa bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tôi nhận thấy liệu pháp sử dụng tế bào Treg này có thể được sử dụng để điều trị bệnh của những người trẻ mắc phải như đái tháo đường tuýp 1. Hy vọng trong một vài năm nữa, chúng ta có thể áp dụng liệu pháp này vào điều trị rộng rãi.

*Phóng viên: Việc phát hiện, nghiên cứu về tế bào Treg đã tác động như thế nào đến lĩnh vực miễn dịch nói chung và nghiên cứu về bệnh tự miễn nói riêng, thưa Giáo sư?

* Giáo sư Shimon Sakaguchi: Nghiên cứu Treg trên toàn thế giới trong 25 năm qua (đối với tôi là hơn 40 năm) đã giúp xác định ba khái niệm cơ bản. Thứ nhất, các tế bào T tự phản ứng (tự miễn) không hoàn toàn bị loại bỏ trong tuyến ức theo quá trình chọn lọc âm tính. Các tế bào này vẫn có thể hiện diện trong hệ thống miễn dịch ngoại biên của người bình thường. Thứ hai, ở trạng thái bình thường, tế bào Treg ức chế quá trình nhân lên và hoạt động của các tế bào T tự miễn. Do vậy, tế bào Treg khi bị thiếu hụt hoặc rối loạn chức năng có thể gây ra bệnh tự miễn. Thứ ba, chúng ta có thể điều trị và ngăn ngừa bệnh tự miễn bằng cách tăng số lượng hoặc chức năng của tế bào Treg trong cơ thể. Tương tự, Treg còn đóng vai trò trong miễn dịch ung thư và miễn dịch cấy ghép. Bởi thế, chúng ta có thể tăng cường phản ứng miễn dịch tiêu diệt khối u bằng cách giảm hoạt động của tế bào Treg. Ở chiều ngược lại, nâng cao chức năng hoặc tăng số lượng tế bào Treg giúp chống thải ghép.

*Phóng viên: Giáo sư đánh giá như thế nào về xu hướng gia tăng bệnh tự miễn hiện nay trên thế giới và hướng giải quyết với vấn đề này?

*Giáo sư Shimon Sakaguchi: Tôi nhận thấy, các bệnh tự miễn có xu hướng tăng ở những nước phát triển như Hoa Kỳ, một số nước châu Âu hay khu vực Scandinavian. Đây là những quốc gia phát triển về kinh tế, điều kiện vệ sinh đảm bảo nhưng nguy cơ từ các bệnh tự miễn, dị ứng… lại ngày càng tăng. Đến nay, vấn đề này vẫn chưa có lời giải đáp.

Các thử nghiệm trên động vật cho thấy rằng liệu pháp sử dụng tế bào Treg có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh tự miễn. Việc ứng dụng với liệu pháp tế bào Treg sẽ theo hướng chúng ta huấn luyện để tế bào Treg giúp kiểm soát cơ thể chúng ta không quá khỏe mạnh nhưng cũng không quá yếu. Điều này được thực hiện bằng cách cho tế bào Treg tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh để tăng sức đề kháng.

Về liệu pháp sử dụng tế bào Treg trong điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư máu, tôi cho rằng đây là vấn đề tương lai. Các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau trong điều trị ung thư. Với giải pháp sử dụng tế bào Treg, CAR-T để điều trị các tác nhân đích, chúng ta hy vọng trong tương lai, có thể có được phương pháp điều trị an toàn hơn, ít đắt đỏ hơn trên nhiều loại ung thư khác nhau.

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư./.

Thu Phương

Xem thêm