Xã hội

Lấy sinh viên làm trung tâm chuyển đổi số

Sinh viên là lực lượng có trí tuệ, sáng tạo, khả năng thích ứng nhanh, rất phù hợp với nhiệm vụ của chuyển đổi số. Nhiệm kỳ XI, Hội đã đưa vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội các giải pháp và tham mưu một đề án riêng về chuyển đổi số.

Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khoá XI cùng các đại biểu tham dự đại hội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Trong chương trình Đại hội XI Hội Sinh viên Việt Nam diễn ra từ ngày 18-20/12 tại Hà Nội, các đại biểu đã sôi nổi, thảo luận, đưa ra những kiến nghị để nâng cao hiệu quả các hoạt động của sinh viên, đồng thời thúc đẩy sinh viên chủ động tham gia vào chuyển đối số.

Chuyển đổi số là trọng tâm

Về vấn đề sinh viên với chuyển đổi số, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho biết, Hội yêu cầu rất cao về sinh viên chuyển đổi số bởi giới trẻ không chỉ là người thụ hưởng, triển khai mà còn là người làm chủ công nghệ và tham gia tích cực vào chuyển đổi số. Sinh viên là lực lượng có trí tuệ, sáng tạo, khả năng thích ứng nhanh, rất phù hợp với nhiệm vụ của chuyển đổi số. Nhiệm kỳ XI, Hội đã đưa vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội các giải pháp và tham mưu một đề án riêng về chuyển đổi số. Dự kiến trong nhiệm kỳ này, sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính sẽ được thiết kế phong trào riêng về chuyển đổi số để các bạn có được sân chơi tốt nhất phát huy khả năng.

Đóng góp ý kiến vào chủ đề thảo luận Sinh viên tiên phong trong chuyển đổi số, nhiều đại biểu đã kiến nghị cần nâng cao nhận thức cho sinh viên, hội viên về chuyển đổi số, vai trò của chuyển đổi số đối với kết quả thực hiện phong trào, chương trình của hội sinh viên các cấp. Việc tập huấn, thảo luận về chuyển đổi số cần được các cấp hội tiến hành với những nội dung mới, thiết thực. Bên cạnh nâng cao nhận thức cho sinh viên, Hội Sinh viên Việt Nam cần lấy sinh viên làm trung tâm của chuyển đổi số.

Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Phú Yên Võ Duy Kha chia sẻ: Muốn chuyển đổi số thành công, trước tiên các sinh viên phải tiên phong về chuyển đổi số ở địa phương. Sinh viên cần chủ động tìm hiểu, cài đặt và tích cực sử dụng ứng dụng (app) Sinh viên Việt Nam. Để khuyến khích sinh viên sử dụng các ứng dụng của thanh niên, sinh viên, đại biểu kiến nghị Trung ương Hội Sinh viên nghiên cứu tích hợp, kết nối vào app Sinh viên Việt Nam với các tính năng tìm kiếm việc làm cho các bạn trẻ. Trong đó, cần đăng tải, cập nhật thường xuyên nhu cầu, vị trí công việc, yêu cầu trình độ, bằng cấp của những đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp tuyển dụng.

Cùng quan điểm, đại biểu Hồng Vân (Hội sinh viên Đồng Nai) bổ sung ý kiến, nên lồng ghép các hoạt động khởi nghiệp, tạo ý tưởng, cập nhật triển khai ý tướng trên (app) Sinh viên Việt Nam. Đồng thời, (app) Sinh viên Việt Nam cần phát huy tính năng tìm kiếm công việc, sự kiện, hình ảnh, góp phần hỗ trợ sinh viên làm báo cáo các hoạt động đã làm được trong công tác hội.

Trước thực thế hầu hết các trường đại học, học viên, cao đẳng của Việt Nam đều có trang thông tin điện tử (website) hội sinh viên, tuy nhiên, sinh viên lại ít tương tác, tìm hiểu thông tin. Một phần vì nội dung trang thông tin còn nghèo nàn, một phần vì sinh viên chưa hình thành thói quen nhận thông tin từ website. Sinh viên Phạm Bích Ngọc (Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam) đề cập đến việc tổ chức Hội cơ sở cần lựa chọn cách tuyên truyền phù hợp với lối tiếp cận của người trẻ như xây dựng các nội dung số trên fanpage, số hóa các cuộc thi với nhiều nội dung cung cấp kiến thức, kỹ năng cho sinh viên. Các nội dung tuyên truyền cũng cần được số hóa để thu hút, hấp dẫn sinh viên. Bích Ngọc đề xuất, để tăng tần xuất sinh viên đăng nhập vào các app sinh viên, trên app có thể bổ sung một số trò chơi rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Bên cạnh đó, Hội Sinh viên Việt Nam có thể đơn giản hóa quản lý văn kiện thông qua mô hình quản lý hồ sơ một cửa. Thay vì gửi công văn giấy tờ bằng văn bản, có thể gửi qua đường lên cổng thông tin một cửa… trên app để đảm bảo sự nhanh chóng, đồng bộ.

Chia sẻ về (app) Sinh viên Việt Nam, đại biểu Lê Khắc Nguyên Anh (Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam) cho biết app hiện phục vụ nhu cầu quản lý hội viên là chính, chưa có nhiều công cụ hỗ trợ hay mang lại lợi ích. App cần chỉnh sửa để mang lại lợi ích cho sinh viên với các tính năng, như: nộp hồ sơ tuyển dụng, giới thiệu việc làm… để sinh viên thấy được lợi ích thiết thực, từ đó sẽ chủ động sử dụng app.

Các đại biểu tham dự đại hội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đa dạng hoạt động tình nguyện

Sinh viên là lực lượng nòng cốt và chủ đạo trong các hoạt động thanh niên tình nguyện. Thời gian qua, phong trào tình nguyện của sinh viên ngày càng đi vào chiều sâu, gắn với phát huy chuyên môn của sinh viên, phù hợp với nhu cầu của địa phương, đảm bảo tính thiết thực, bền vững. Công trình phần việc tình nguyện đảm bảo theo nguyên tắc "Được người, được việc, được tổ chức".

Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Hàng Hải (Hải Phòng) Nguyễn Thị Quỳnh Nga khẳng định, phong trào tình nguyện ngày càng phát triển, giúp nhiều bạn trẻ được rèn luyện, trưởng thành và cống hiến. Đặc biệt những cống hiến của người trẻ được xã hội ghi nhận đánh giá cao, từ đó tạo động lực để họ tham gia nhiều hoạt động, lan tỏa tinh thần tình nguyện trong sinh viên nói riêng, toàn xã hội nói chung. Để phong trào tình nguyện tiếp tục hiệu quả, đại biểu đề xuất Hội Sinh viên Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông với theo hướng mới, với cách tiếp cận linh động, phù hợp với thị hiếu của người trẻ, giúp sinh viên hiểu được giá trị của hoạt động tình nguyện. Tham gia tình nguyện là mang đến giá trị hữu ích cho cộng đồng, mang lại niềm vui, hạnh phúc và sự trưởng thành cho bản thân.

Nhiều đại biểu đề nghị Hội Sinh viên Việt Nam cần đa dạng hóa phương thức tổ chức chương trình, hoạt động để sinh viên có thể tham gia có hiệu quả. Trong xu hướng hiện nay, cần áp dụng việc chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện để tận dụng ưu thế của sinh viên là nhanh nhạy về công nghệ thông tin.

Đại biểu Lê Huỳnh Đức (Hội Sinh viên Đại học An Giang) chia sẻ về mô hình số hóa chương trình tình nguyện tiếp sức mùa thi được triển khai từ đầu năm 2023. Theo đó, Đại học An Giang đã xây dựng trang web cung cấp thông tin hữu ích cho thí sinh và người nhà thí sinh; ứng dụng công nghệ hình ảnh 360 giúp thí sinh dễ dàng truy cập từ xa, xác định được sơ đồ, vị trí phòng thi, trường thi... Nhờ đó, thí sinh, người nhà thi sinh giảm thiểu được thời gian tìm kiếm địa điểm thi, góp phần tạo tâm lý yên tâm, tập trung vào việc ôn luyện và làm bài thi.

Đại biểu Nguyễn Thành Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai bày tỏ trăn trở trước thực tế không ít hoạt động, chương trình tình nguyện tự phát diễn ra trong giới trẻ, sinh viên. Đáng nói, trong đó có những hoạt động sinh viên bị lợi dụng và xảy ra rủi ro, bị lừa đảo. Trong thời đại công nghệ phát triển, tổ chức Hội Sinh viên cần quan tâm định hướng, tập hợp sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện được tổ chức bài bản, thiết thực hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội cần tiếp tục tổ chức các cuộc thi về ý tưởng tình nguyện từ đó tìm những ý tưởng sáng tạo, khả thi mới.

Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Công Hùng chia sẻ, giai đoạn tới, hoạt động tình nguyện của sinh viên sẽ hướng đến cộng đồng, hướng đến xây dựng nông thôn mới. Từ hoạt động tình nguyện nhỏ đến dự án lớn, sinh viên sẽ rèn luyện hoạch định kế hoạch với những hoạt động của mình.

Để đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của các hoạt động tình nguyện đối với xã hội và hội viên, sinh viên, giai đoạn 2023-2028, Hội triển khai các hoạt động tình nguyện đảm bảo tính rộng khắp, bền vững, hiệu quả, sáng tạo, trong đó, chú trọng lấy sinh viên là trung tâm, chủ thể của hoạt động; chú trọng việc đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động tình nguyện theo hướng phát huy được tính chủ động, ý tưởng sáng tạo, chuyên môn của sinh viên; gia tăng hàm lượng tri thức, chuyển đổi số, gắn với thế mạnh của sinh viên trong các hoạt động tình nguyện.

Hội sẽ tổ chức cuộc thi ý tưởng, dự án để tăng tính sáng tạo, hiệu quả trong các hoạt động tình nguyện. Đồng thời, tăng cường công tác kết nối trong việc triển khai các hoạt động tình nguyện; thực hiện chủ trương "3 liên kết" (liên kết lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng) tìm kiếm nguồn lực, thông tin, cơ chế từ hệ thống chính trị, nhà trường, cộng đồng, xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tình nguyện của sinh viên./.

Ngọc Bích

Tin liên quan

Xem thêm