Chỉ đạo, Điều hành

Bố trí cán bộ có năng lực phù hợp để đảm bảo chất lượng phục vụ người dân

Thái Nguyên

Theo mô hình tổ chức chính quyền hai cấp, xã, tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, từng cán bộ, công chức. Trong những ngày đầu, người dân đã đến thực hiện các thủ tục hành chính công, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn.

Đông đảo người dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công một số phường thuộc tỉnh Thái Nguyên làm thủ tục trong ngày đầu tiên sáp nhập. 
Ảnh: Trần Trang-TTXVN

Sau ba ngày thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các xã sau hợp nhất tại tỉnh Thái Nguyên đã bước đầu vận hành thông suốt, đảm bảo phục vụ người dân chu đáo, hiệu quả, dù còn nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức bộ máy.

Xã Bạch Thông là đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba xã Dương Phong, Quang Thuận và Đồng Thắng của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn trước đây. Xã có diện tích 107 km², dân số khoảng 8.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Hà Ngọc Việt, Chủ tịch UBND xã Bạch Thông cho biết: Theo mô hình tổ chức chính quyền hai cấp, xã đã nhanh chóng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, từng cán bộ, công chức. Trong những ngày đầu, người dân đã đến thực hiện các thủ tục hành chính công, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn.

Do địa bàn xã kéo dài theo tuyến tỉnh lộ khoảng 40km, Trung tâm phục vụ hành chính công được đặt tại vị trí trung tâm, thuận tiện cho người dân đến giao dịch. Xã cũng bố trí cán bộ có năng lực, trình độ phù hợp để đảm bảo chất lượng phục vụ. Trong thời gian tới, xã Bạch Thông sẽ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tiến tới hạn chế người dân phải đến trụ sở để làm thủ tục hành chính.

Bà Ma Thị Mận, Bí thư Đảng ủy xã Bạch Thông cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác tổ chức bộ máy cơ bản hoàn tất, được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Đảng ủy xã đã bố trí cán bộ theo hướng dẫn của cấp trên, kiện toàn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt. Đối với đội ngũ công chức, việc phân công được thực hiện trên tinh thần phù hợp với năng lực, trình độ và vị trí việc làm.

Tuy nhiên, quá trình sắp xếp cũng phát sinh một số khó khăn như số lượng biên chế sau sáp nhập lớn hơn định mức quy định cho một xã, một số vị trí chuyên môn bị trùng lặp. Do đó, xã đã kết hợp giữa bằng cấp đào tạo và kinh nghiệm thực tiễn khi bố trí cán bộ; thực hiện phân công tạm thời để theo dõi, đánh giá hiệu quả công việc, dự kiến sau 3 tháng sẽ rà soát, điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế.

Ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên. 
 Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Yêu cầu chuyển đổi số ngày càng cao đang đặt ra áp lực không nhỏ khi vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng tốt về kỹ năng công nghệ thông tin. Trước yêu cầu xử lý công việc nhanh, gọn, hiệu quả, xã phấn đấu đến ngày 30/9 sẽ ngừng sử dụng văn bản giấy trong nội bộ (trừ tài liệu mật), triển khai phòng họp không giấy, khuyến khích cán bộ sử dụng trí tuệ nhân tạo...

Tại xã Phú Lương, đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất thị trấn Đu, thị trấn Giang Tiên và hai xã Đồng Đạt, Yên Lạc của huyện Phú Lương, mô hình chính quyền hai cấp cũng đang vận hành trơn tru. Bà Phạm Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lương chia sẻ, đến thời điểm này, hệ thống quản lý văn bản từ xã đến tỉnh hoạt động thông suốt, chế độ báo cáo được thực hiện liên thông. Việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân diễn ra đều đặn, với hơn 100 hồ sơ mỗi ngày, nhiều thủ tục chứng thực được trả kết quả ngay trong ngày.

Theo ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên, để đảm bảo bộ máy chính quyền mới hoạt động hiệu quả ngay từ đầu, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị.

UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi; phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Việc vận hành trơn tru mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong những ngày đầu hợp nhất tại Thái Nguyên cho thấy tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, linh hoạt và nỗ lực lớn của các cấp chính quyền, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân./.

Hoàng Thảo Nguyên

Tin liên quan

Xem thêm