Đoàn đã đến kiểm tra khu công nghiệp Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ (huyện Hải Hậu); tuyến đê Cồn Tròn, Hải Thịnh; kè biển Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu.
Ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 3 tại Nam Định.
Đoàn đã đến kiểm tra khu công nghiệp Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ (huyện Hải Hậu); tuyến đê Cồn Tròn, Hải Thịnh; kè biển Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu.
Tại các điểm kiểm tra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực, quyết liệt các biện pháp ứng phó bão số 3 của Nam Định. Đồng thời yêu cầu tỉnh cần tích cực thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác diễn biến của bão để người dân không chủ quan, lơ là; khẩn trương hoàn thành việc kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn; di chuyển người dân từ các lều, chòi canh bãi nuôi thủy sản, bãi bồi ven sông, ven biển, vùng úng trũng, có nguy cơ cao... về nơi an toàn.
Đến 11 giờ ngày 6/9, Nam Định đã có 1.710 tàu với 5.229 lao động vào các bến, bãi, cảng cá neo đậu tránh trú theo quy định. Các ngành, địa phương đã tổ chức rà soát hiện trạng hệ thống đê điều ; kiểm tra, rà soát lại các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu và chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra; đối với khu vực bãi, bối, tiến hành rà soát phương án sơ tán dân theo quy định, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Đến thời điểm hiện tại, các huyện ven biển là Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, các loại vật tư, phương tiện phòng, chống bão đã tập kết đủ, sẵn sàng vận hành khi có tình huống xảy ra. Các phương án phòng, chống thiên tai cấp huyện, cấp xã đã được triển khai theo đúng phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức kiểm tra, kiểm điếm, hoàn thiện các phương án được thực hiện xong trước 11 giờ ngày 6/9; triển khai chằng, chống nhà cửa, công trình công cộng và sẽ hoàn thành trước 18 giờ ngày 6/9.
Để chủ động ứng phó với bão, nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, Sở Giao thông vận tải Nam Định đã chỉ đạo dừng hoạt động cầu phao Ninh Cường trên Quốc lộ 37B vượt qua sông Ninh Cơ kể từ 14 giờ ngày 6/9 đến khi điều kiện thời tiết ổn định. Đơn vị vận hành khai thác đặt biển thông báo từ xa tại đầu cầu phao, bố trí nhân viên hướng dẫn phân luồng cho người và phương tiện di chuyển theo hướng khác; lắp đặt cầu phao ngay sau khi bão tan, thời tiết ổn định để đảm bảo giao thông.
Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành ứng phó bão, mưa lũ; lên phương án ứng cứu thông tin khi có sự cố xảy ra. VNPT Nam Định đã hạ tải 12 cột anten; phối hợp Mobifone hạ 21 cột có nguy cơ cao; căng chỉnh các trạm dây bị chùng võng; bố trí nhân lực tham gia ứng phó khi bão vào. Viettel Nam Định tổ chức rà soát tuyến truyền dẫn, hạ tầng; củng cố 26 tuyến xung yếu, 3 tuyến liên tỉnh, 23 tuyến liên huyện, hạ tải cột quá tải trọng, hoàn thành siết khóa cáp 489/489 trạm.
Trên tinh thần ứng phó bão số 3 (ở mức độ siêu bão), Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng phải tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó khẩn cấp; chủ động nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống bão, ưu tiên nhất là bảo đảm an toàn cho người dân./.