Giáo dục

Bồi dưỡng tiếng Lào cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Điện Biên

Điện Biên

Đây là khóa học đầu tiên trong khuôn khổ Đề án hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Sáng 11/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên tổ chức bế giảng khóa đào tạo tiếng Lào cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh năm 2024. Đây là khóa học đầu tiên trong khuôn khổ Đề án hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ban Tổ chức trao chứng nhận cho các học viên tham gia khóa học. 
Ảnh: Phan Quân - TTXVN

Trong thời gian 6 tháng tham gia lớp học, 20 học viên được nghiên cứu về chữ viết (chữ cái, âm, vần); các chủ đề (văn hóa, đời sống, phong tục, tập quán của Lào)... Chương trình khóa học thực hiện đầy đủ, hoàn thành 350 tiết, gồm các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Tham gia khóa học, học viên được đi thực tế cơ sở tại 3 tỉnh Bắc Lào (gồm Phông-sa-ly, Luông-pha-bang và U-đôm-xay), đáp ứng yêu cầu kỹ năng giao tiếp tiếng Lào ở mức độ cơ bản. Thông qua chuyến thực tế cơ sở, tham quan, học tập tại các tỉnh Bắc Lào, học viên được tích lũy vốn từ, tăng cường hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ Lào; tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của nước bạn Lào.

Tại lễ bế giảng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Lò Thị Thời nhấn mạnh, với nỗ lực, quyết tâm cao, 100% học viên đủ điều kiện được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình tiếng Lào, trong đó có 10/20 học viên đạt loại giỏi.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Lò Thị Thời phát biểu tại Lễ bế giảng. 
Ảnh: Phan Quân - TTXVN

Bà Lò Thị Thời yêu cầu, sau khóa học, các học viên trở về đơn vị công tác tiếp tục tăng cường tự học tiếng Lào trên các nền tảng, ứng dụng, học ở mọi nơi, mọi lúc, làm giàu thêm vốn từ, nâng cao cấp độ, kỹ năng sử dụng tiếng Lào trong giao tiếp, trao đổi công việc ở lĩnh vực hợp tác với nước bạn Lào.

Đề án hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, có các mục tiêu cụ thể như: Đào tạo tiếng Việt gồm 4 khóa với 240 người; đào tạo trình độ đại học chính quy bao gồm 4 khóa với 120 người; đào tạo cao đẳng chính quy 4 khóa cho 60 người; đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học hệ vừa làm vừa học 4 khóa với 60 người. Đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị gồm 4 khóa cho 60 người; bồi dưỡng, tập huấn, thực tế cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức các tỉnh Bắc Lào tại Điện Biên 150 người.

Đề án được triển khai nhằm tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào nói chung; duy trì, giữ vững mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào nói riêng./.

Phan Đình Quân

Xem thêm