Pháp luật

Buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi

Hà Nội

Các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa xuất xứ nước ngoài nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một gia tăng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, tháng 01/2024.
Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp.

Để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng đã không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng. Hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh…

Mặt khác, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa xuất xứ nước ngoài nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một gia tăng. Đáng chú ý, các đối tượng bán hàng livestream trên các trang mạng xã hội facebook, youtube ở một nơi nhưng kho hàng được tập kết ở một nơi khác và thường không cố định gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy tổng hợp, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các loại hàng hóa có giá trị cao qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài…

Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Đỗ Hồng Trung cho biết, 6 tháng cuối năm là dịp cao điểm của hoạt động thương mại phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Do đó, cần tiếp tục tăng cường phát huy các kết quả đạt được. Điểm yếu nhất của thương mại điện tử là cơ chế quản lý chủ sở hữu thuê bao, cần định danh người tham gia thương mại điện tử mới có cơ sở để kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm, thu thuế hoặc xử lý khi vi phạm...

Đến thời điểm này, số lượng thuê bao của người tham gia thương mại điện tử chưa định danh được còn rất lớn. Số lượng thuê bao đã định danh nhưng lại không sử dụng, còn người sử dụng thuê bao đó lại là người khác. Thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển nhanh và thuận tiện, người Trung Quốc bán hàng tại biên giới thuê người dân vận chuyển... Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm sim rác và quản lý tốt hoạt động vận chuyển.

Tại Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua đường hàng không, chuyển phát nhanh ngày càng tinh vi, phức tạp và liên tục thay đổi. Các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài; trên các tuyến biên giới, vùng biển và nội địa.

Công an thành phố Hà Nội Đỗ Việt Thắng đề nghị Hà Nội sớm phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng kho giữ tang vật, vật chứng hỗ trợ kinh phí, vị trí đất để ngành sớm triển khai xây dựng kho. Theo tiêu chí của Bộ Công an, cần 1 kho vật chứng của Công an thành phố, qua rà soát quỹ đất để xây dựng kho vật chứng hầu như không còn. Ngành công an dự kiến xây dựng kho vật chứng tại Kiến Hưng, quận Hà Đông, diện tích khoảng 13.000m2 với kinh phí 190 tỷ.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các sở, ngành có liên quan đến công tác triển khai xây dựng kho tang vật, vật chứng, cần thống nhất theo hướng Công an thành phố Hà Nội đề xuất tại khu Kiến Hưng (quận Hà Đông) làm khu kho hàng tập trung cho các lực lượng chức năng.

Sở Quy hoạch kiến trúc làm đầu mối cùng các ngành đưa ra đề xuất diện tích, yêu cầu cụ thể việc quy hoạch khu đất xây dựng kho giữ tang vật, vật chứng tập trung; phối hợp với địa phương trích lục cụ thể các ô đất dự kiến xây dựng. Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư xây dựng đề xuất triển khai thực hiện kho vật chứng, tang vật trên địa bàn thành phố

6 tháng đầu năm, các đơn vị thành viên chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm để xây dựng các kế hoạch chuyên đề, tuần tra kiểm soát, xác lập chuyên án tổ chức đấu tranh, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm tụ điểm phức tạp, xử lý các hành vi vi phạm; không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả...

Ngày 5/6/2024, cơ quan chức năng phát hiện địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế, tại địa chỉ số 4, Kho Lăng, Quốc lộ 2, thôn Đoài, xã Phù Lỗ, Sóc Sơn có khoảng 3.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động các loại và các loại mặt hàng khác (thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm…) do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ.

Đây chỉ là một số vụ điển hình trong 12.032 vụ vi phạm được các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội thanh tra, kiểm tra trong 6 tháng đầu năm; xử lý hành chính 11.436 vụ. Khởi tố 118 vụ đối với 175 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước trên 474 tỷ đồng./.

Nam Giang

Tin liên quan

Xem thêm